Cần hỗ trợ tâm lý cho người lao động sau tinh giản
Quá trình sáp nhập, tinh giản nhân sự là việc làm tất yếu cho sự phát triển. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể kéo theo những tác động tức thời tới sức khỏe tâm lý của người lao động.

PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Tâm lý - Xã hội, cho rằng sự chuyển đổi từ khu vực công sang tư sẽ kéo theo những tác động tới sức khỏe tâm lý của người lao động.
Chuyển đổi nghề nghiệp ảnh hưởng đến người lao động
Thông tin trên được PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Tâm lý - Xã hội, đưa ra tại Hội thảo Khoa học và thực tiễn "Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức.
Bà Thái phân tích thêm, quá trình chuyển đổi (sáp nhập, tinh giản, thay đổi công việc…) tuy có thể mang lại những lợi ích lâu dài nhưng tác động tức thời trước mắt tới sức khỏe tâm lý là điều không thể tránh khỏi. "Điều này xảy ra bởi vì não bộ của con người được lập trình để chống lại sự không chắc chắn", bà Thái chia sẻ.
Từ đó, vị chuyên gia tâm lý này cho rằng, nếu không kịp thời có giải pháp được đưa ra để ổn định thì tâm lý người lao động sau tinh giản có thể bị ảnh hưởng dẫn đến suy giảm hiệu suất làm việc, giảm sự gắn bó, trong khi đó lại tăng sự dè chừng và phòng vệ.
Quá trình chuyển đổi công việc từ khu vực công sang tư thời điểm đầu, theo bà Thái, sẽ khiến người lao động có cảm giác lo lắng, sốc, nhận thấy khó hình dung về tương lai. Nguyên nhân được cho là ở giai đoạn này, người lao động bị thiếu thông tin cần thiết để dự đoán những thay đổi sắp tới hoặc hiểu vai trò của họ trong tổ chức mới.
"Rủi ro tiềm ẩn là nhân viên có thể trở nên thiếu động lực, mất tập trung và ngày càng bất mãn. Họ có thể bắt đầu rút lui, có thể bằng cách "bỏ cuộc lặng lẽ", phàn nàn hoặc thậm chí là từ chức", PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái chỉ rõ.
Trái ngược với đó, khi chuyển sang khu vực tư, một số cá nhân có thể cảm thấy hạnh phúc, nhanh chóng bắt nhịp được với công việc ban đầu và nhận ra rằng nhu cầu thay đổi được người khác công nhận và chia sẻ, dẫn đến cảm giác nhẹ nhõm.
Đối với những lao động mới, thay đổi lý tưởng nhất theo bà Thái đó là các cá nhân sẽ tiến tới giai đoạn chấp nhận dần dần. Ở giai đoạn này, họ bắt đầu hiểu được môi trường thay đổi và vai trò của họ trong đó. Khi sự tự tin tăng lên, họ cảm thấy như "có ánh sáng ở cuối đường hầm" và thích ứng một cách tích cực với những thay đổi.
"Tất cả những cảm xúc này hoàn toàn bình thường. Theo mô hình đường cong thay đổi, người lao động nên được hướng dẫn qua từng giai đoạn, đạt đến đỉnh điểm ở giai đoạn cuối cùng: Hội nhập. Giai đoạn này biểu thị thời điểm các cá nhân bắt đầu lấy lại cảm giác kiểm soát của mình, bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, thể hiện sự hoạt động và hiệu quả tăng lên", PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái phân tích.

Ổn định tâm lý người lao động sau tinh giản là việc làm cần thiết. Ảnh minh họa
Tìm cách giúp ổn định tâm lý người lao động
Trong bối cảnh nền kinh tế đang có những thay đổi thì việc hỗ trợ tâm lý cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu và phát triển bền vững trong công việc.
Theo PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, có nhiều bước giao tiếp hiệu quả giúp người lao động ứng phó với sự thay đổi, bao gồm: Thông báo - Kết nối - Hướng dẫn - Gắn kết.
Bước đầu, nhà quản lý cần thông báo, chia sẻ thông tin sớm và đủ thường xuyên, trao đổi sự thật và không đưa lời hứa không chắc chắn cho người lao động. Thứ hai, kết nối, tạo môi trường tương tác với nhân viên, cung cấp hỗ trợ cảm xúc, tri thức và khuyến khích người lao động cùng hỗ trợ nhau.
Tiếp đó, các nhà quản lý cần đưa ra các bước cụ thể để tổ chức lại nhân sự và trao quyền cho nhân viên tham gia quá trình giải quyết vấn đề. Cuối cùng, cần thúc đẩy sức mạnh của tập thể, tăng cường sự kết nối và gắn kết đội ngũ thành một khối đoàn kết.
Ngoài ra, để hỗ trợ tâm lý người lao động, cần tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp dựa trên năng lực, tính cách và các nguồn lực mà cá nhân người lao động đang có và các nguồn lực từ tổ chức hay huy động được từ bên thứ ba, từ thị trường lao động.
Song song với đó là việc hướng dẫn người lao động chủ động tìm kiếm và chuyển đổi công việc phù hợp với điều kiện của bản thân. Kết hợp với đào tạo các kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tâm lý chủ động cho bản thân thông qua việc quản lý cảm xúc, tư duy tích cực và xây dựng lối sống lành mạnh.
"Những biện pháp như tập huấn phòng ngừa các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, khủng hoảng, trầm cảm cho người lao động thông qua các chiến lược ứng phó hiệu quả; hỗ trợ/trị liệu tâm lý cho những người đang bị căng thẳng, lo âu, khủng hoảng do bị nghỉ việc, chuyển đổi công việc" cũng giúp ổn định tâm lý cho người lao động khi chuyển sang môi trường làm việc mới.