Cần hỗ trợ thu hoạch lúa - tôm

Kể từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, từ độc canh cây lúa sang lúa - tôm kết hợp, hằng năm nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Cái Nước duy trì gieo sạ trên dưới 500 ha lúa - tôm, thuộc xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hòa Mỹ. Ðặc biệt, khi hệ thống cống Tiểu vùng Nam Cà Mau hoàn thành thì diện tích gieo sạ lúa - tôm liên tục tăng lên. Vụ mùa năm 2023, bà con xuống giống được hơn 830 ha, lúa đang phát triển tốt, sẽ cho thu hoạch đồng loạt vào cuối tháng 12. Nông dân phấn khởi về năng suất, nhưng không khỏi lo lắng khâu gặt lúa, bởi đã qua khi đến mùa thu hoạch lúa bà con phải chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công, thậm chí có mướn giá cao cũng khó tìm được người.

Do lao động nông nghiệp mang tính thời vụ, nhu cầu mướn công lao động mỗi năm duy nhất một lần và diễn ra trong thời gian ngắn, dẫn đến thu nhập bấp bênh, không ổn định nên hầu hết những người trong độ tuổi lao động ở nông thôn đi tìm kiếm việc làm ở các công ty trong, ngoài tỉnh để có thu nhập ổn định. Lao động nông nghiệp ở nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm, trong khi diện tích gieo sạ lúa - tôm tăng dần từng năm.

Vụ mùa năm 2023, nông dân huyện Cái Nước xuống giống lúa trên đất nuôi tôm được gần 830 ha.

Vụ mùa năm 2023, nông dân huyện Cái Nước xuống giống lúa trên đất nuôi tôm được gần 830 ha.

Hộ ông Nguyễn Văn Ly, ấp Thị Tường B, xã Hòa Mỹ, hằng năm duy trì sản xuất hơn 2 ha lúa - tôm, nhưng đến ngày thu hoạch thường không mướn được nhân công gặt lúa, phải nhờ anh em trong gia đình và bà con, hàng xóm hỗ trợ.

Không riêng xã Hòa Mỹ, nông dân vùng sản xuất lúa - tôm xã Thạnh Phú cũng gặp không ít khó khăn trong khâu mướn thu hoạch vụ lúa. Ông Nguyễn Mười Một, ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, một trong những hộ dân nhiều năm duy trì gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch lúa thì bà con nơi đây hết sức khó khăn, vất vả tìm kiếm nhân công. Khi mướn được người gặt lúa thì phải trả tiền công cao, trung bình 500 ngàn đồng/công, lúa sập thì tiền công lên đến 700 ngàn đồng/công”.

Còn khoảng một tháng nữa vụ lúa năm nay sẽ cho thu hoạch, ông Một lo rằng công gặt năm nay sẽ tăng hơn năm trước và khó mướn hơn do năm nay bà con gieo sạ nhiều hơn.

Bà con mong muốn có máy gặt đập liên hợp với đặc tính gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển, thu hoạch trong điều kiện ruộng lúa có nhiều nước và không làm ảnh hưởng đến tôm nuôi. Bởi máy gặt đập liên hợp vùng chuyên lúa, khi đưa vào ruộng phải bơm cạn nước, phơi đầm để không bị lún, gây bất lợi cho tôm nuôi.

Nhà sáng chế nông dân Phan Tấn Phong (bên phải) có ý tưởng sáng chế máy thu hoạch lúa - tôm.

Nhà sáng chế nông dân Phan Tấn Phong (bên phải) có ý tưởng sáng chế máy thu hoạch lúa - tôm.

Ông Ngô Minh Ðạo, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, kiến nghị, ngành chức năng sớm triển khai đề tài sáng chế máy gặt đập liên hợp phục vụ vùng trồng lúa trên đất nuôi tôm, sớm cho ra đời chiếc máy gặt, tháo gỡ khó khăn về công gặt cho bà con. Nếu chế tạo thành công sẽ góp phần cơ giới hóa trong nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm trong những năm tiếp theo./.

Việt Tiến

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-ho-tro-thu-hoach-lua-tom-a30214.html