Cần hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 10, trong đó có vấn đề hoạt động của trường bán trú.
Đề nghị trường bán trú không cho học sinh nghỉ chiều thứ 6
Cử tri TP. Tây Ninh nêu ý kiến: Hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số trường tiểu học (có bán trú) cho học sinh nghỉ học vào mỗi buổi chiều thứ 6 hằng tuần. Điều này gây khó khăn trong việc chăm sóc, quản lý học sinh. Vì một số gia đình làm công nhân hoặc công chức trẻ không ở chung với ông bà, khi rước học sinh về phải để ở nhà hoặc phòng trọ, các cháu chơi một mình rất nguy hiểm.
Vấn đề trên, UBND tỉnh (thông qua Sở GD&ĐT) yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố qua sơ kết học kỳ I năm học 2023-2024 tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học rà soát điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để tăng cường việc tổ chức dạy học 10 buổi/tuần, ưu tiên đối với các lớp có tổ chức bán trú. Ngành Giáo dục phối hợp các địa phương chỉ đạo các phòng GD&ĐT tăng cường tham mưu công tác tổ chức tuyển dụng giáo viên bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, hiện nay, các trường đang gặp khó khăn về biên chế giáo viên/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Toàn tỉnh có 60 trường tiểu học có tổ chức bán trú, trong đó, chỉ có 7 trường tổ chức dạy học 10 buổi/tuần, các trường còn lại dạy học 9 buổi/tuần.
Mặc dù các cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều giải pháp như: tăng cường các tiết sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, các môn năng khiếu... nhưng, tỷ lệ tổ chức dạy học 10 buổi/tuần chưa được nâng lên.
Nguyên nhân, các địa phương tuyển dụng giáo viên chưa đủ chỉ tiêu biên chế theo kế hoạch được phân bổ, chưa bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định. Hiện nay, nguồn giáo viên đăng ký tuyển dụng tại các địa phương rất ít.
Đầu năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT tiếp tục yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trường tiểu học tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trong đó, ưu tiên tổ chức dạy học 10 buổi/tuần đối với các trường có tổ chức bán trú. Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và kịp thời tổ chức tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, bảo đảm đủ tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp.
Phòng GD&ĐT tăng cường xây dựng phòng học và các phòng chức năng, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dùng chung đúng theo quy định. Các cơ sở giáo dục tiểu học tiếp tục rà soát điều kiện bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày, xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện việc tổ chức dạy học 10 buổi/tuần, tập trung chủ yếu ở các trường có tố chức bán trú.
Số trường chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu
Liên quan việc xây dựng trường lớp, đội ngũ giáo viên, tại kỳ họp thứ 14, đại biểu chất vấn (bằng văn bản) về vấn đề xây dựng trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia: “Trường đạt chuẩn theo mức độ 1, 2... đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm từng cấp học? Trong đó, đến chu kỳ kiểm định giáo dục và thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia của từng cấp học, có bao nhiêu trường được công nhận lại, bao nhiêu trường được công nhận nâng mức? Giải pháp trong thời gian tới để duy trì, giữ vững và nâng cao tiêu chí các trường đạt chuẩn quốc gia để đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra?”.
Sở GD&ĐT trả lời, tính đến ngày 31.5.2024, toàn tỉnh có 138 trường đạt chuẩn quốc gia trên tổng số 421 trường học. Trong đó, số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 là 130/421 trường (tỷ lệ 30,88%); có 8/421 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (tỷ lệ 1,9%); 283/421 trường chưa đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 67,22%). Trong đó, 144/421 trường chưa đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 34,2%); 139/421 trường được công nhận chuẩn quốc gia đã hết hạn nhưng chưa được công nhận lại (tỷ lệ 33,02%).
Đến chu kỳ kiểm định giáo dục và thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia của từng cấp học, số trường được công nhận lại, số trường được công nhận nâng mức như sau: 19 trường được công nhận lại; 15 trường được công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ 1; 4 trường được công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ 2. Không có trường được công nhận nâng mức và có 139 trường được công nhận chuẩn quốc gia đã hết hạn nhưng chưa được công nhận lại.
Nguyên nhân của điều này là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm GDNN-GDTX trước đây được công nhận trường chuẩn quốc gia theo quy định cũ, hiện nay việc công nhận lại trường chuẩn quốc gia thực hiện theo quy định mới nên các trường không đạt mức kiểm định chất lượng giáo dục để làm cơ sở công nhận trường chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành.
Theo Quyết định số 1956/QĐ-UBND ngày 23.9.2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, giai đoạn 2021-2025, Sở GD&ĐT được UBND tỉnh giao số lượng trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 33 trường. Tính từ năm 2021 đến ngày 31.5.2024, có 104 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, Sở GD&ĐT đã hoàn thành vượt chỉ tiêu do UBND tỉnh giao về số lượng trường đạt chuẩn quốc gia.
Để duy trì giữ vững và nâng cao tiêu chí các trường đạt chuẩn quốc gia nhằm đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, Sở GD&ĐT đề ra một số giải pháp trong thời gian tới như sau: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh nói chung và từng địa phương nói riêng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để các trường bảo đảm đạt đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học- đặc biệt là các trường đã được công nhận đạt chuẩn- tăng cường trách nhiệm trong việc duy trì chất lượng giáo dục toàn diện và trong công tác quản lý, sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; huy động hợp lý các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để mua sắm, duy tu sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm bảo đảm đầy đủ phòng học, phòng chức năng, trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu; thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường học, tham mưu UBND tỉnh bảo đảm quy hoạch đủ quỹ đất, phân bổ kinh phí để thực hiện mục tiêu phát triển các trường học đạt chuẩn quốc gia.
Hằng năm, các trường học chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi tuyển, xét tuyển giáo viên, nhân viên các cấp học bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng theo định mức quy định; có kế hoạch đào tạo giáo viên ở các cấp học, tuyển dụng, hợp đồng, điều động, thỉnh giảng, để bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên theo vị trí việc làm theo quy định; chủ động lựa chọn giáo viên nòng cốt, dạy giỏi để tổ chức dạy học trực tuyến ở những nơi có đủ điều kiện, những nơi thiếu giáo viên.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân quan tâm, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo được sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân để đóng góp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/can-hoan-thien-co-so-vat-chat-doi-ngu-giao-vien-a176082.html