Cần hoàn thiện quy định pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh trong thi hành án dân sự
Xuất cảnh là ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Việc đương sự, đặc biệt là người phải thi hành án (người Việt Nam, người nước ngoài) xuất cảnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức thi hành án.
Chưa có quy định riêng về tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án
Việc tạm hoãn xuất cảnh của người phải thi hành án được quy định tại Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP; Điều 28, Điều 29 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2019; Điều 21, Điều 22 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 94/2015/NĐ-CP và Nghị định số 75/2020/NĐ-CP.
Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án còn gặp phải một số vướng mắc, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Luật THADS còn thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này. Tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án là một vấn đề phức tạp và diễn ra khá phổ biến trong thực tiễn, tuy nhiên Luật THADS chưa có quy định riêng về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án. Mặc dù Điều 51 Nghị định số 62/2015/ NĐ-CP có quy định về việc xuất cảnh của người phải thi hành án. Tuy nhiên để nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả áp dụng, cần thiết phải quy định rõ về vấn đề này trong Luật THADS. Trong đó cần xác định cụ thể về thẩm quyền áp dụng, đối tượng bị áp dụng, nội dung và cách thức thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh.
Bên cạnh đó, trong trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, việc tạm hoãn xuất cảnh cũng gặp khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thi hành án.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Do đó việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức thi hành án.
Để thuận lợi hơn cho công tác THADS, cần bổ sung quy định trong trường hợp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức là người phải thi hành án dân sự thì phải thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cho cơ quan THADS ngay từ khi bắt đầu đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp và Luật THADS cũng nên bổ sung quy định hạn chế việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp cơ quan, tổ chức đó đang là người phải thi hành án. Đặc biệt là trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan tổ chức đó đang bị cơ quan THADS áp dụng các biện pháp thi hành án như đang có quyết định tạm hoãn xuất cảnh, đang bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế… để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh, gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án.
Ngăn chặn nguy cơ trốn tránh thi hành án
Một số quy định pháp luật về xuất nhập cảnh cần tiếp tục được hoàn thiện. Tại Điều 29 Luật Xuất nhập cảnh và Điều 22 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP cần quy định rõ về thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh gồm " Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự". Đồng thời bổ sung quy định về nghĩa vụ của người nước ngoài khi nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam phải kê khai thông tin về nơi cư trú của mình và nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh (nếu có) tại Điều 44 Luật Xuất nhập cảnh.
Luật Xuất nhập cảnh và luật thi hành án Dân sự cũng cần quy định rõ đối với trường hợp người phải thi hành án là người nước ngoài, khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh mà thời hạn cư trú tại Việt Nam đã hết hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù thì người bị hạn chế xuất cảnh đó phải cư trú tại đâu để bảo đảm cho việc thi hành án dân sự, tránh trường hợp người phải thi hành án thực hiện cư trú tại nhiều địa phương khác nhau, gây ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án có ý nghĩa và hiệu quả pháp lý quan trọng, không chỉ hạn chế, ngăn chặn nguy cơ người phải thi hành án trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án mà còn là một biện pháp pháp lý hữu hiệu để nâng cao hiệu quả thi hành án. Do đó pháp luật THADS và các quy định pháp luật có liên quan cần có những bổ sung phù hợp về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh để nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng đối với biện pháp này.