Cần hoàn thiện quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Cưỡng chế Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động được Chấp hành viên áp dụng khi các Bản án, Quyết định không được tự nguyện thi hành và hiệu quả hoạt động cưỡng chế THADS ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác thi hành án. Tuy nhiên, từ thực tế công tác này ở Đại Từ (Thái Nguyên) cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc.
Khó xác định, truy tìm tài sản
Luật THADS năm 2014 đã quy định về tự nguyện và cưỡng chế thi hành án (Khoản 2 Điều 9). Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án để làm căn cứ cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 45 và Điều 46 của luật này. Để tổ chức thực hiện cưỡng chế THADS cần phải thực hiện theo các bước Luật THADS quy định như: Thụ lý bản án, quyết định, đơn yêu cầu thi hành án để ra quyết định về thi hành án, thông báo, tống đạt các văn bản, giấy tờ về thi hành án, xác minh điều kiện thi hành áncủa đương sự, giáo dục thuyết phục thi hành ánlàm căn cứ xác định để cưỡng chế.
Huyện Đại Từ gồm 30 xã, thị trấn, là huyện có nhiều đơn vị hành chính và diện tích lớn nhất tỉnh; trong những năm gần đây điều kiện kinh tế phát triển kéo theo sự phát triển của các loại tội phạm làm phát sinh các Bản án, Quyết định của Tòa án dẫn tới số vụ việc phải thi hành án ngày càng tăng. Đối với Chi cục THADS huyện Đại Từ, có số lượng án về việc đứng thứ ba trong toàn tỉnh. Thống kê 11 tháng năm 2022, tổng số phải thi hành 1.086 việc với số tiền trên 27 tỷ đồng; đã thi hành xong 657 việc với số tiền trên 7 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 88,66 % về việc và 51,56% về tiền. Trong tổng số việc và tiền nêu trên, số lượng vụ việc ra quyết định áp dụng cưỡng chế, biện pháp bảo đảm thi hành án 28 việc gần 3 tỷ đồng; đã thi hành xong 18 việc số tiền trên gần 2 tỷ đồng; số việc còn lại Chi cục THADS huyện đang hoàn tất các thủ tục để tổ chức cưỡng chế kê biên và giao tài sản theo quy định.
Từ số vụ việc trên cho thấy, áp dụng biện pháp cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế dứt điểm các vụ việc là rất khó khăn vì pháp luật trong cưỡng chế THADS là hoạt động mang tính đặc thù riêng, thông qua hoạt động cưỡng chế THADS góp phần bảo đảm được trật tự, kỷ cương xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần của công dân, của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thi hành cho thấy, nhiều đương sự (người phải thi hành án) bị cưỡng chế lợi dụng quyền dân chủ chống đối quyết liệt, khiếu nại tố cáo vượt cấp, tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của Chấp hành viên và cơ quan THADS. Việc xác định, truy tìm tài sản trong mối quan hệ đồng sở hữu hay qua hệ thống hồ sơ lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền và trên thực tiễn còn rất bất cập, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, quá trình thi hành Luật THADS và các văn bản về pháp luật THADS đã phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế về trình tự thủ tục, áp dụng pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Một số ít vụ việc cưỡng chế còn không có sự đồng thuận, phối hợp của các cơ quan chuyên môn… vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ áp dụng biện pháp cưỡng chế, tổ chức cưỡng chế thi hành án, chất lượng, hiệu quả công tác THADS tại địa phương.
Chú trọng công tác vận động thuyết phục
Để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế trong THADS, cần phải thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Chấp hành viên cơ quan THADS là người được Nhà nước giao quyền ra quyết định cưỡng chế THADS phải thực sự phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, phải đề cao trách nhiệm, thực thi đúng pháp luật và có tư tưởng, bản lĩnh vững vàng.
Thứ hai, phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về THADS nói chung và các biện pháp cưỡng chế THADS nói riêng là một yêu cầu cấp thiết nhằm tạo điều kiện cho Cơ quan THADS và Chấp hành viên có đủ căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS nói riêng và việc bảo đảm cho trật tự, kỷ cương pháp luật của Nhà nước nói chung. Cần có sự đối chiếu quy định về cưỡng chế THADS giữa các văn bản để khắc phục những quy định chưa đồng bộ, bổ sung những khoảng trống chưa được pháp luật điều chỉnh.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong THADS đặc biệt là trong công tác cưỡng chế THADS; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo THADS các cấp trên địa bàn; tích cực tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền địa phương các giải pháp để tổ chức cưỡng chế có hiệu quả vụ việc.
Thứ tư, chú trọng công tác vận động thuyết phục; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy được tính tích cực của việc xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực của xã hội đề đưa công tác THADS lên tầm cao vị thế trong xã hội và áp dụng biện pháp cưỡng chế đạt một cách hiệu quả, thiết thực.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới tư duy, hoàn thiện khung pháp luật và cơ chế áp dụng sẽ tạo những tác động thực tế đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật; thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh Thái Nguyên./.