Cần huy động nguồn lực xã hội tái thiết đô thị trung tâm
Đà Nẵng đang hoàn thiện đề án quy hoạch, tái thiết, chỉnh trang, phát triển khu vực đô thị trung tâm để phê duyệt trong thời gian tới. Đây là đề án quan trọng, có tác động lớn đến người dân và xã hội, giúp cải thiện hạ tầng các đô thị cũ tại trung tâm, tạo ra bộ mặt đô thị mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ngoài việc xây dựng hạ tầng tái thiết một khu vực cụ thể như phường Bình Hiên thì đề án cũng thực hiện nâng cấp, mở rộng hàng loạt tuyến đường có mặt cắt từ 3,5m-3,75m lên 5,5m. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện tái thiết đô thị trung tâm Đà Nẵng rất lớn, cần cơ chế để huy động nguồn lực xã hội thì đề án mới đảm bảo khả thi.
Từ năm 2021, Đà Nẵng đã đầu tư cải tạo, mở rộng 97 tuyến đường từ 3,5 m thành 5,5 m tại 4 quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu, giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí hơn 243 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng (BQLDA) là chủ đầu tư. Đến nay, 25 tuyến đường đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng với kinh phí gần 60 tỷ đồng. Với 72 tuyến đường còn lại cần nguồn vốn hơn 180 tỷ đồng. Việc triển khai đầu tư thí điểm mở rộng các tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, nhất là đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ, góp phần tái thiết, chỉnh trang đô thị theo chủ trương của thành phố. Theo ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc BQLDA, tiến độ đầu tư mở rộng các tuyến đường từ 3,5m (giai đoạn 1- phần thí điểm) tại Liên Chiểu, Hải Châu, Sơn Trà đã thi công hoàn thành. Riêng 10 tuyến đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn vẫn đang thi công, sẽ hoàn thành cuối tháng 5-2023.
Trước đó, vào tháng 3-2023, sau khi đi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai dự án mở rộng các tuyến đường có mặt cắt từ 3,5-3,75m lên 5,5m, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chỉ đạo phải hoàn thành thi công mở rộng 10 tuyến đường ở Ngũ Hành Sơn trong tháng 5-2023. Ông Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu, xem xét cân đối, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các tuyến đường còn lại.
Lưu ý, đối với các tuyến đường không đảm bảo bề rộng vỉa hè tối thiểu 2m và lòng đường không đủ 5,5m, đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án mở rộng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh mở rộng các tuyến đường nhỏ thì phương án khoanh vùng tái thiết từng khu vực đô thị nhỏ cũng được Đà Nẵng triển khai. Trong đó, quận Hải Châu triển khai phương án tái thiết khu đất 3,18ha với 327 thửa đất, trong đó có 265 thửa đất ở trong các kiệt, hẻm của tuyến đường Trưng Nữ Vương và tuyến đường 2 Tháng 9 tại phường Bình Hiên. Sau khi giải tỏa đi hẳn 243 hộ dân địa phương sẽ đề xuất bố trí quy hoạch mở rộng tuyến đường ngang kết nối tuyến đường 2 Tháng 9 và tuyến đường Trưng Nữ Vương (sau Bảo tàng Điêu khắc Chăm) lên đường rộng 10,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m; mở thông kiệt K46 đường 2 Tháng 9 ra tuyến đường Trưng Nữ Vương với bề rộng mặt đường 7,5m, vỉa hè 2-3m; xây dựng mới đường nội bộ rộng 7,5m giữa khu vực chỉnh trang với khu phức hợp căn hộ-thương mại dịch vụ-nhà phố thương mại (shop-house).
Ngoài ra, phương án sẽ xây dựng 26 căn shop-house ở mặt sau tuyến đường Trưng Nữ Vương và tại vị trí chợ Nại Hiên theo phong cách kiến trúc Chăm-pa kết hợp với phố đi bộ, sân vườn... để hình thành khu mua sắm, dịch vụ sầm uất (quy mô mỗi căn từ 3-5 tầng, tầng 1 dùng để kinh doanh); xây dựng khối căn hộ chung cư cao 23 tầng với khối đế cao 3 tầng để bố trí 243 ki-ốt thương mại và các khu tiện ích công cộng phục vụ đời sống nhân dân; khối tháp cao 20 tầng với 540 căn hộ có diện tích 55m2, 80m2 dùng để bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa có nhu cầu bố trí tái định cư tại chỗ; xây dựng một khối tháp căn hộ và thương mại - văn phòng cao 23 tầng, bao gồm 5 tầng khối đế để làm thương mại và 18 tầng khối tháp bố trí các phòng căn hộ, văn phòng…
Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Lương Nguyễn Minh Triết, đề án quy hoạch, tái thiết, chỉnh trang, phát triển khu vực trung tâm thành phố rất quan trọng, cần sớm hoàn thiện trình HĐND TP xem xét tại Kỳ họp giữa năm 2023. Trong đó, cần lưu ý tính thống nhất, đồng bộ với các đồ án quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị và đặc biệt là đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện. Theo ông Triết, cần nghiên cứu cơ chế quy tụ nguồn lực xã hội để thực hiện đề án chứ chỉ từ nguồn ngân sách chắc chắn không thực hiện được. Đơn cử như tái thiết một khu vực nhỏ ở Bình Hiên đã hơn hai ngàn tỷ đồng, nếu chỉ dựa vào ngân sách rất khó. Thực tiễn như tại TP HCM, nếu không thu hút được nguồn lực xã hội hóa rất khó có thể triển khai đề án chỉnh trang, tái thiết đô thị.