Cận kề giờ chót, châu Âu nỗ lực đẩy Ukraine – Nga bắt tay về năng lượng
Đại diện của Liên minh châu Âu, Ukraine và Nga đã kết thúc ngày đàm phán đầu tiên tại Brussels trong cuộc đối thoại 'mang tính xây dựng' nhằm mục đích gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt của Kiev với Nga, Ủy viên châu Âu Maros Sefcovic hôm thứ Năm cho biết.
Cơ quan năng lượng Ukraine đang lo ngại Moscow có thể ngừng vận chuyển dầu đi qua Ukraine khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào ngày 1/1/2020 – điều có thể làm giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông.
"Chúng tôi đã giải quyết từng vấn đề một, tất cả các lĩnh vực chính, cụ thể là các quy định năng lượng của EU phải được phản ánh như thế nào trong khung pháp lý cho hợp đồng mới; thời hạn hợp đồng; khối lượng vận chuyển và tính linh hoạt cần thiết; và cách chúng tôi tiếp cận quá trình vận chuyển, "Sefcovic nói trong một cuộc họp báo ngay sau cuộc hội đàm được chờ đợi từ lâu.
Theo Sefcovic, tất cả các bên đã nhất trí về một hợp đồng mới sẽ dựa trên luật pháp của EU và Naftogaz của Ukraine sẽ không tham gia – điều mở đường cho bên thứ ba mới giải quyết việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine.
Ông cũng cho biết tất cả các bên đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng trước cuối tháng 10 và đại diện của các công ty liên quan đến việc phát triển hợp đồng sẽ tiếp tục đàm phán chi tiết về thỏa thuận chung đưa ra hôm thứ Năm.
Các tin tức trước đó đã chỉ ra rằng Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Oleksiy Orzhel đã hy vọng đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Nga, Alexander Novak, tại cuộc họp hôm thứ Năm.
Các cuộc đàm phán diễn ra sau một quyết định ngày 10/9 của tòa án hàng đầu Liên minh châu Âu tại Luxembourg nhằm áp dụng các giới hạn đối với việc vận chuyển khí đốt thông qua đường ống Opal – phần kết nối Đức với hệ thống đường ống Nord Stream do Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga điều hành. Quyết định này sẽ làm giảm lượng khí đốt đi qua Nord Stream của Gazprom đi 12,4 tỷ m3/năm, PGNiG, công ty dầu khí nhà nước của Ba Lan cho biết.
Gazprom đang nỗ lực hoàn thành các dự án đường ống Nord Stream 2 và TurkStream vào năm 2020, sau đó họ có thể không cần các đường ống của Ukraine để vận chuyển dầu nữa. Việc Ukraine mất khoảng 3 tỷ USD phí vận chuyển khí đốt - khoảng 3% GDP quốc gia - sẽ là một đòn giáng đáng kể cho nền kinh tế Ukraine.
Moscow hiện cung cấp 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu - 14 quốc gia EU nhận được hơn 50% lượng khí đốt từ Nga - phần lớn chảy qua các đường ống từ thời Liên Xô đi qua Ukraine.