Cận kề lằn ranh đỏ
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vừa thông báo Chính quyền Palestine (PA) sẽ không tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Oslo với Israel trong bối cảnh Nhà nước Do Thái chuẩn bị sáp nhập khu vực Bờ Tây chiếm đóng.
Trong lịch sử quan hệ xung đột giữa hai bên, đây không phải lần đầu tiên Palestine tuyên bố đình chỉ việc tuân thủ Hiệp ước hòa bình với Israel. Những diễn biến kiểu này không phải là hiếm thấy trong suốt 27 năm qua, sau cái bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin tại lễ ký kết Hiệp ước Oslo năm 1993 ở Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Điều đáng lo ngại là, diễn biến căng thẳng mới nhất diễn ra sau một loạt biến cố được coi như “khai tử” tiến trình hòa bình, bắt đầu từ việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây vào năm 2017. Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) và PA sẽ không còn tuân thủ tất cả các thỏa thuận với chính quyền Washington và Israel, cũng như với mọi cam kết dựa trên những thỏa thuận này, bao gồm cả hoạt động phối hợp an ninh. Bất cứ căng thẳng nào vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay, cũng có thể là “giọt nước tràn ly” làm bùng phát xung đột ở khu vực vốn không lúc nào yên ả.
Hiệp ước Oslo trong suốt mấy chục năm qua cho dù chỉ còn mang tính biểu tượng cho khát vọng hòa bình ở khu vực nhưng tinh thần của thỏa thuận lịch sử này dù sao cũng mang lại ít nhiều hy vọng cho cả người Palestine và Israel. Có điều, thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Còn nhớ vào dịp kỷ niệm 25 năm Ngày ký Hiệp ước Oslo, cả hai đối tác chính là Palestine và Israel thậm chí còn chẳng buồn nghĩ đến việc tổ chức kỷ niệm. Những cuộc đối đầu, xung đột bạo lực tiếp nối đã phủ bóng lên bản thỏa thuận hòa bình đầu tiên và cho tới nay vẫn là duy nhất khởi động cho tiến trình hòa bình Palestine và Israel. Theo các con số thống kê, kể từ khi có được thỏa thuận lịch sử này, các cuộc xung đột tuy ít đẫm máu hơn, nhưng cũng đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng, chủ yếu là từ phía Palestine trong giai đoạn từ tháng 1-2009 đến tháng 4-2018.
Cho tới khi “quả bom” Jerusalem của Tổng thống Mỹ Donald Trump được tung ra năm 2017, người ta càng chắc chắn rằng hòa bình chỉ là một sự ảo tưởng. Ngay từ khi chính quyền Washington công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan, dự đoán về khả năng đang có những toan tính vẽ lại bản đồ Trung Đông và thay đổi hiện trạng khu vực càng trở nên xác đáng. Quyết định gây tranh cãi này của Washington được cho là sự khích lệ dành cho Nhà nước Do Thái để thực hiện bước đi tham vọng tiếp theo là sáp nhập khu Bờ Tây chiếm đóng. Theo kế hoạch này, Israel sẽ sáp nhập tất cả khu định cư Do Thái, phía Bắc biển Chết và thung lũng Jordan. Trong một phát biểu, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định, Israel đang trong quá trình lập bản đồ các khu vực đó, “phù hợp với kế hoạch của Tổng thống Donald Trump và đó sẽ là một phần của Nhà nước Israel”.
Tuy nhiên, động thái đơn phương vẽ lại bản đồ biên giới của Nhà nước Do Thái đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực. Kế hoạch của Israel bị chỉ trích là bước leo thang căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Ngay từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi chính sách “gây sốc” trong cuộc xung đột Palestine và Israel liên quan tới vấn đề Jerusalem, đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra về hệ lụy đối với chính an ninh của Israel, đe dọa tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Hành động “bật đèn xanh” cho Israel của Mỹ có thể kéo theo hiệu ứng dây chuyền khiến Israel càng bị “xa lánh” hơn ở Trung Đông và đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng mới. Tham vọng sáp nhập cả thung lũng Jordan có thể sẽ là “phát súng” khơi mào cuộc xung đột với Vương quốc Jordan. Không loại trừ vương quốc này sẽ từ bỏ thỏa thuận hòa bình lịch sử được ký với Israel vào năm 1994 nếu Nhà nước Do Thái tìm cách sáp nhập khu vực biên giới có vai trò quan trọng chiến lược là thung lũng Jordan. Quốc vương Jordan Abdullah II từng cảnh báo về một “xung đột lớn” nếu Israel thực sự sáp nhập khu Bờ Tây vào tháng 7 tới. Nguy hiểm hơn, làn sóng căng thẳng và bạo lực mới ở khu Bờ Tây, nơi sinh sống của gần 3 triệu người Palestine và khoảng 400.000 người Israel trong các khu định cư, có thể bùng lên bất cứ lúc nào như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Loạt động thái nghiêng về đồng minh Israel của Washington chẳng khác nào dồn ép chính quyền Palestine tới bước đường cùng, đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel. Mỹ đã mất vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình sau những quyết định thiên vị trong vấn đề Jerusalem, bị cáo buộc là bất chấp sự thật lịch sử, phá vỡ luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Cũng không thể trông đợi gì vào phản ứng của châu Âu lúc này đối với vấn đề hòa bình Trung Đông, trong bối cảnh đối phó đại dịch Covid-19 đang chiếm phần lớn mối quan tâm của “lục địa già”.
Liên tục những lằn ranh đỏ trong cuộc xung đột Palestine và Israel đã bị vượt qua trong quá khứ. Nếu thêm một lằn ranh đỏ nữa là Hiệp ước Oslo bị phá vỡ, không biết tương lai của tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ đi về đâu, hay lại quay trở về vạch xuất phát?
Tuyên bố ngừng tuân thủ Hiệp ước Oslo của Tổng thống Palestine cho dù có trở thành hiện thực hay không, cũng có thể coi là lời cảnh báo để chứng tỏ mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Ngừng thực thi Hiệp ước Oslo dù sao cũng chỉ là bước đi bất đắc dĩ của Palestine, bởi không ai mong muốn quá khứ chiến tranh và xung đột đẫm máu sẽ lại một lần nữa tái hiện trong hiện tại, thậm chí trở thành tương lai của chính mình.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/can-ke-lan-ranh-do-618421