Cần kéo dài thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ như trước sáp nhập

Chiều 22.4, tại Cao Bằng, Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết, sau khi sáp nhập, số đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn giảm đi một huyện còn một huyện, cấp xã giảm 9 xã còn 21 xã; số xóm, tổ dân phố giảm 171 xóm còn 195 xóm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại buổi làm việc

Về kết quả bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong khối chính quyền, huyện đã bố trí theo quy định khoảng 100 biên chế; bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức là 31 người, còn một cán bộ công chức đang tiếp tục giải quyết; đối với khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, huyện đã giải quyết được 60/73 người, còn 13 người đang chờ giải quyết. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện còn 115 người đang cần giải quyết; với người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chế độ đã hoàn thành trong năm 2020…

Trong quá trình thực hiện việc sắp xếp, lãnh đạo huyện Hà Quảng cho biết vẫn còn một số khó khăn, như là số lượng cán bộ, công chức dôi dư lớn gây khó khăn trong bố trí, sắp xếp, giải quyết dôi dư bảo đảm theo kế hoạch; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, một số trụ sở xã có quy mô nhỏ, điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức chưa thuận lợi; ở các xã thực hiện sắp xếp do điều kiện giao thông chưa thuận lợi, việc chỉ bố trí một trạm y tế cơ sở gây khó khăn cho nhân dân trong việc đi lại khám chữa bệnh…

Huyện Hà Quảng kiến nghị Trung ương xem xét cho phép kéo dài lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư đến hết năm 2030 do số lượng cán bộ, công chức dôi dư nhiều. Nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ đủ mạnh để tạo động lực, khuyến khích những người thuộc diện dôi dư nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc hoặc chuyển công việc khác. Cần kéo dài thời gian thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các đơn vị hành chính như trước khi sáp nhập, tạo điều kiện đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở, đường giao thông nông thôn, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, tạo sự khác biệt về đầu tư nhằm tạo động lực cho các đơn vị thực hiện sắp xếp ở giai đoạn sau…

Đoàn giám sát cho rằng, Hà Quảng đã tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động, đặc biệt là trong thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc giảm số lượng đơn vị hành chính đã góp phần giảm chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý hành chính, tiết kiệm chi thường xuyên... trên địa bàn huyện.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, trên địa bàn huyện Hà Quảng vẫn chưa đạt 2 tiêu chí về dân số và diện tích theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, có ý kiến đề nghị, địa phương cần nêu rõ nguyên nhân vì sao? Nếu do đặc thù là huyện vùng cao, biên giới, địa hình bị chia cắt thì có kiến nghị gì về việc sửa đổi tiêu chí để phù hợp với địa bàn vùng miền núi hay không? Qua báo cáo của huyện Hà Quảng cho thấy, sau khi sáp nhập, địa phương đã được tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số. Vậy huyện đã có định hướng cụ thể thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội để khơi dậy tiềm năng, lợi thế, nâng cao đời sống của nhân dân? Với kiến nghị kéo dài lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư, nhiều ý kiến đề nghị, địa phương đưa ra những phương án để triển khai thực hiện và làm rõ có hoàn thành sắp xếp được hay không?

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy ghi nhận các kiến nghị của địa phương và cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính tại huyện Hà Quảng.

Tin và ảnh: T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-keo-dai-thuc-hien-cac-chinh-sach-uu-dai-ho-tro-nhu-truoc-sap-nhap-aiiwsbxqux-82507