Cần khắc phục biểu hiện cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm

Biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang xuất hiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, cản trở sự phát triển KT-XH.

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá tại huyện Tân Lạc.

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá tại huyện Tân Lạc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm được lý giải là trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày càng quyết liệt, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí gây thất thoát ngân sách bị điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là các cơ quan khối Nhà nước các cấp liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên - môi trường bị kỷ luật, truy tố, xét xử…

Gần đây xuất hiện tâm lý một số cán bộ lãnh đạo không dám ký, không dám làm vì sợ trách nhiệm. Cán bộ, đảng viên có tư tưởng "thà bị phê bình vì chậm trễ còn hơn bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Các chuyên gia cho rằng, tâm lý cán bộ không dám làm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thể chế pháp luật ở nhiều lĩnh vực chưa thật rõ ràng. Các quy định pháp luật chưa thống thất và đồng bộ. Cùng một vấn đề áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra lại sai; thời điểm này áp dụng thì đúng nhưng thời điểm khác lại sai. Những biểu hiện này rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải ngân, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ có tâm lý co cụm, không dám làm hoặc xin nghỉ hưu trước tuổi. Tâm lý sợ sai không dám làm là một kiểu "tự diễn biến” mới trong quan niệm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng không những làm chậm trễ, đình trệ hoạt động công vụ, gây bức xúc trong Nhân dân mà còn cản trở động lực phát triển. Tư duy không làm không sai chính là tư duy sai, một loại "tự diễn biến". Bởi vì cán bộ đang hưởng lương của cơ quan Nhà nước và có trách nhiệm phải phục vụ lợi ích của cộng đồng. Do đó, mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, không thể vin vào thể chế có chỗ chưa rõ ràng mà không dám triển khai, phải tăng cường truy trách nhiệm, làm rõ.

Cũng theo các chuyên gia, nhà quản lý, để khắc phục những biểu hiện cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm thì cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, nhất là cán bộ quản lý phải nâng cao trách nhiệm, trình độ, bản lĩnh chính trị trong công tác với ý thức phục vụ Nhân dân cao nhất. Mới đây, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp và yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ; đồng thời giao Chính phủ kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu một vài địa phương để xảy ra tình trạng này.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/178155/can-khac-phuc-bieu-hien-can-bo-so-trach-nhiem,-khong-dam-lam.htm