Cần khắc phục những bất cập tại các khu tái định canh, định cư ở Đakrông
Những năm qua, các dự án định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung trên địa bàn huyện Đakrông đã góp phần ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phần lớn các khu tái định canh, định cư nơi đây còn gặp nhiều khó khăn cần khắc phục, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Giai đoạn 2008 - 2016, toàn tỉnh có 13 dự án ĐCĐC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó huyện Đakrông có 8 dự án gồm: Dự án ĐCĐC tập trung Ka Lu - Chân Rò, xã Đakrông; Pi Rao, xã A Ngo; A Pun, xã Tà Rụt; Cợp, xã Húc Nghì; Tơ Rơ - A Đu, xã Tà Long; Ba Linh, xã A Vao; Bù - Ngược, xã Ba Nang; Cu Tài, xã A Bung. Bình quân mỗi hộ thụ hưởng dự án được cấp khoảng 600 m2 đất ở, 1 ha đất sản xuất. Nhà nước cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm ĐCĐC tập trung, đến năm 2017 cơ bản đã hoàn thành, bàn giao cho chính quyền địa phương đưa vào quản lý, sử dụng như đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi nhỏ, hệ thống nước sinh hoạt, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… Bên cạnh đó, hỗ trợ 3 năm đầu mỗi năm 30 triệu đồng cho mỗi điểm ĐCĐC gồm giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; hỗ trợ tiền mặt và vay vốn lãi suất ưu đãi… Nhìn chung, chính sách di dân thực hiện ĐCĐC cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông đã góp phần ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng dự án, tạo việc làm, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng các loại cây hoa màu, cây lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân; hạn chế việc đốt rừng làm rẫy, khai thác quỹ đất chưa sử dụng đưa vào sản xuất, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.
Ngoài những thuận lợi, qua khảo sát thực tế cho thấy sau một thời gian đi vào sử dụng các khu tái ĐCĐC ở huyện Đakrông nảy sinh nhiều khó khăn nhất là về đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước tưới. Điển hình như dự án ĐCĐC tập trung Tơ Rơ - A Đu, xã Tà Long có tổng mức đầu tư hơn 18 tỉ đồng. Theo kế hoạch dự án được triển khai đầu tư, hoàn thiện và bàn giao cho UBND xã Tà Long quản lý vào tháng 3/2018 nhằm tạo điều kiện cho hơn 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 23 hộ còn du canh, du cư, ở xa điểm dân cư có chỗ ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất. Song đến thời điểm này, khu ĐCĐC tập trung Tơ Rơ - A Đu chỉ mới thu hút được 4 hộ xây dựng nhà. Nguyên nhân chủ yếu khiến các hộ còn lại chưa đến với điểm ĐCĐC này là thiếu đất sản xuất, nước tưới và nước sinh hoạt.
Ông Hồ Rai ở khu ĐCĐC tập trung Tơ Rơ - A Đu cho biết: “Gia đình tôi là một trong ít hộ đầu tiên vào ở tại khu ĐCĐC. Bước đầu chúng tôi rất phấn khởi vì có nơi ở cao ráo, thông thoáng hơn. Vấn đề lo ngại của chúng tôi hiện nay là đất sản xuất còn thiếu, nước tưới cũng thiếu nên năng suất, chất lượng các loại cây trồng không cao dẫn đến thu nhập thấp, không đảm bảo các khoản chi phí thường ngày của gia đình. Bên cạnh đó, nước sạch còn thiếu, nhất là vào mùa khô, phải đi hàng cây số để tìm khe suối gùi từng bon nước về; trường học, trạm y tế xa khu dân cư nên rất bất tiện. Vì vậy rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ thêm cho người dân trong vùng dự án nhiều hơn, trước mắt là về đất sản xuất, nước sinh hoạt cũng như xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để người dân chúng tôi có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Không chỉ riêng khu ĐCĐC tập trung Tơ Rơ - A Đu, ở khu ĐCĐC Cợp, Húc Nghì cũng thiếu đất sản xuất, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hơn 2 tháng nay nắng nóng kéo dài nguồn nước ở khu vực này cạn kiệt, người dân phải đi rất xa để lấy nước ở những nơi khác về sử dụng. Ông Hồ Văn Xuân, khu ĐCĐC Cợp, Húc Nghì cho biết: “Từ khi vào sinh sống ở khu tái định cư đến nay chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng. Ở thôn Húc Nghì có 2 nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân. Riêng nguồn nước chảy về phía khu tái định cư thì không đủ, đường ống dẫn nước quá nhỏ lại xa gần 2 km. Mùa đông thì có khoảng 1/2 hộ dân có nước sinh hoạt, mùa hè thì hầu như tất cả các hộ đều không có nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, đất sản xuất khô cằn khiến cho cây cối khó phát triển. Vì vậy, chúng tôi chưa thực sự yên tâm sinh sống tại khu tái định cư vì các điều kiện thiết yếu nơi đây chưa đảm bảo”.
Các chính sách theo Quyết định số 33/QĐ-TTg, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, được người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông đón nhận và hưởng ứng rất cao. Nhưng qua thực tế vào ở các khu ĐCĐC một thời gian, các điều kiện tại đa số khu tái định cư chưa đảm bảo nên nhiều hộ rời khỏi đó để tìm nơi ở mới phù hợp; một số hộ trụ lại khu tái định cư nhưng vẫn không thể phát triển được vì còn đối mặt với quá nhiều khó khăn. Vì vậy, đến nay các khu tái định cư ở Đakrông vẫn chưa thực sự ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Để các khu tái định cư trên địa bàn phát huy hiệu quả, thời gian qua huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt nên nhiều hộ đã di chuyển đến nơi ở khác, khiến công tác di dân tái định canh, định cư ở địa phương gặp không ít khó khăn. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư vào các khu tái định cư để giúp người dân an cư lạc nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số đổi mới tư duy tập quán trong phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Tiếp nhận những ý kiến, nguyện vọng của người dân tại các khu tái định cư để kịp thời tháo gỡ khó khăn”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149643