Cần khắc phục sớm sụt lún đường do hạn, mặn ở Cà Mau
Đến thời điểm này, vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã có hơn 700 vị trí sạt lở, sụt lún đất tại 138 tuyến, với tổng chiều dài gần 19.000 mét, ước thiệt hại tài sản khoảng 28 tỷ đồng. Hạ tầng cơ sở bị tàn phá, đời sống dân sinh đảo lộn, bài toán 'thuận thiên' đang hết sức thúc bách.
Bà Phan Kim Bía, Bí thư Đảng ủy xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Xã có gần 2.500 mét đường sụt lún, sạt lở ở 61 điểm, 8 tuyến kênh. Cứ vài năm, hạn hán lại diễn ra nghiêm trọng, chưa có giải pháp triệt để để”.
Ông Trác Văn Hùng, Bí thư chi bộ ấp Bình Minh 2 (xã Trần Hợi, nơi có tuyến bờ Nam kênh Quảng Hảo bị tàn phá nặng nề vì hạn hán) trầm ngâm: “Toàn bộ tuyến lộ rộng 3 mét, dài 3.000 mét bị tê liệt hoàn toàn vì sụt lún, sạt lở. Tiếc nhất là con lộ mới đầu tư sử dụng hơn 1 năm, còn mới lắm, dân chưa hết mừng thì lộ đã hư rồi”. Theo ông Duy Ngọc Nguyễn, Trưởng ấp Bình Minh 2, chỉ đoạn lộ dài 3km bờ Nam kênh Quảng Hảo thôi đã có 35 đoạn sạt lở, sụt lún. “Khoảng 1.000 mét đường của tuyến này đã bị nuốt chửng hoặc gãy nát hoàn toàn, còn lại thì cong vênh, nứt nẻ hết, không có khả năng duy tu, sửa chữa lại được nữa. Chỉ có làm đường mới mà thôi”, ông Nguyễn tiếc đứt ruột.
Đang hì hụi lắp lại ống thoát nước để chuẩn bị cho mùa vụ sản xuất mới, ông Nguyễn Hùng Cường (người dân ấp Bình Minh 2) thở dài kể: “Hồi lộ bị sụt lún, ở đây bà con đang thu hoạch lúa. Nước sông thì cạn, đường thì hư, nông dân loay hoay tìm mọi cách để vận chuyển lúa đem bán. Chi phí, công sức đều đội giá, nên lợi nhuận cũng teo tóp lại. Bắp chuối, chuối, rau màu... bán được nhiêu hay bấy nhiêu chứ thương lái không vào tới, chở đi thì tốn kém”.
Bà Lê Thị Hồng (người dân trên tuyến), một người dân tuyến bờ Bắc kênh Chống Mỹ, ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi kể lại: “Đường sá mới thấy đó mà cái ào là mất hết, hư hết, gần 300 mét. Lộ lún sâu, gãy đứt, đất dưới chân lộ cũng hở toang hoác, nhìn ám ảnh lắm”. Ông Mai Thanh Văn (ngụ ấp Kinh Cũ kể thêm: “Có chỗ thì nứt nẻ trước, mình còn biết đường né, nhưng có chỗ không có dấu hiệu gì, sụt cái ào, ai chứng kiến cũng hoảng hồn. Đường hư, bà con vận chuyển nông sản gặp khó khăn, tụi nhỏ đi học vất vả dữ lắm”.
Tuyến kênh Cơi Tư, ấp 10 B, xã Trần Hợi cũng bị tàn phá nặng nề trong mùa khô hạn. Ông Trịnh Văn Nhiều, dân địa phương bộc bạch: “Những mùa hạn gần đây kỳ lạ lắm. Nắng dữ dội hơn, còn sụt lún, sạt lở chưa từng thấy. Mùa vụ sản xuất mới đây tính đâu thắng lớn, ai dè vì hạn hán mà lợi nhuận bị hao hụt nhiều vì phải thêm nhiều chi phí phát sinh khác”.
Huyện Trần Văn Thời ra sức khắc phục hậu quả của hạn hán. Riêng xã Trần Hợi đang kêu gọi người dân duy tu, sửa chữa những đoạn lộ hư hỏng ít để đảm bảo trước mắt sinh hoạt và lao động sản xuất cho người dân. Dù đã có những cơn mưa đầu mùa, nhưng bà con ở xã Trần Hợi vẫn di chuyển tạm bằng những con đường mòn tắt ngang lòng kênh khô queo nước. Riêng những tuyến đường đã bị hư hỏng nặng, chính quyền địa phương đang vận động người dân hiến đất để làm đường mới, cách xa nền đường cũ đã bị sạt lở, sụt lún trong mùa đại hạn. “Chỉ có cách đầu tư tuyến lộ mới, chứ tuyến cũ thì nếu sửa lại, làm lại, mùa hạn sau lại hư tiếp thì nguy cơ lãng phí là thấy rõ. Chủ trương này đã được UBND huyện thống nhất, các ấp của đang triển khai và bà con rất đồng thuận để góp sức, góp công”, bà Phan Kim Bía, Bí thư Đảng ủy xã Trần Hợi thông tin.
Vấn đề sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với công tác quy hoạch đồng bộ, phù hợp là câu chuyện mà Cà Mau cần tính toán một cách dài hơi hơn. Ngoài những yếu tố khách quan, những tác động trực tiếp, chủ quan của con người cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ và gây ra những hậu quả nặng nề hơn trong mùa hạn mặn của địa phương. Đặc biệt là việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước.
Không chỉ là sụt lún, sạt lở, hạn mặn ở Cà Mau còn khiến khoảng 3.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt gay gắt trong mùa khô, đó là chưa kể nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hơn 12.000 hộ dân trong toàn tỉnh. Cũng trong mùa hạn 2023-2024, gần 37.500ha rừng của tỉnh Cà Mau đứng ở ngưỡng báo động cháy rất cao, xảy ra một số vụ cháy ở các cụm rừng sản xuất, rất may là được khống chế kịp thời. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định: “Giữ vững vùng ngọt hóa, thích ứng và phát triển một cách “thuận thiên” là bài toán chiến lược mà tỉnh Cà Mau đã, đang và sẽ tiếp tục có những điều chỉnh về tư duy và hành động một cách bài bản, khoa học, hiệu quả”.
Vùng ngọt hóa Cà Mau được quy hoạch thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình với tổng diện tích gần 155.000ha tự nhiên. Trong đó có hệ sinh thái rừng tràm quý giá, vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp và đời sống của hàng trăm ngàn hộ dân. Việc rút những bài học kinh nghiệm từ hạn mặn, từ đó có những giải pháp, hành động quyết liệt, hợp lý, hiệu quả; thích nghi, thích ứng và vượt lên thử thách của thiên nhiên chính là đòi hỏi cấp bách, là chìa khóa để vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.