Cần khắc phục tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn và rà soát lại các thủ tục hành chính do các thông tư ban hành
Tiếp tục chương trình kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phát biểu ý kiến. Sau đây là nội dung phát biểu của đại biểu.
Kính thưa Quốc hội!
Tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật kì này, vấn đề mới là quy định về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lí dự án luật, pháp lệnh hay nói gọn là “đổi vai” hay không “đổi vai” giữa Chính phủ và Quốc hội. Vấn đề này tôi xin chọn phương án hai như các đại biểu đã phân tích.
Vấn đề cần quan tâm tại dự án luật này là tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn. Hiện nay, quá trình xây dựng các nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư đang có tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn. Khá nhiều trường hợp các bộ đề nghị xây dựng nghị định theo trình tự rút gọn, mà trình tự rút gọn thì không tổ chức lấy ý kiến khiến cho các đối tượng chịu tác động trở tay không kịp. Ví dụ như giai đoạn sửa đổi gần 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đầu năm 2016, dù việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là việc tốt nhưng xây dựng văn bản theo quy trình rút gọn đã tạo cú sốc lớn cho các doanh nghiệp.
Gần đây có tình trạng các luật được ban hành cần có nghị định, thông tư hướng dẫn và nghị định, thông tư phải có hiệu lực cùng thời điểm với luật. Chính phủ và Quốc hội lại yêu cầu rất gắt gao về vấn đề “nợ đọng” nghị định, thông tư hướng dẫn luật. Các bộ soạn nghị định và thông tư chậm nên sát đến lúc luật có hiệu lực rồi mà vẫn chưa xong nghị định và thông tư nên thường xin làm theo thủ tục rút gọn để đỡ bị liệt vào diện “nợ đọng” văn bản. Chính vì thế nên có tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn, trong khi thông thường nghị định và thông tư mới là chỗ quy định đủ chi tiết để doanh nghiệp có ý kiến đóng góp, còn luật thì quá chung chung để doanh nghiệp thấy có ảnh hưởng đến lợi ích nên thường không đóng góp ý kiến. Mặc dù những trường hợp trên không rơi vào 1 trong 3 trường hợp tại Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vì được Chính phủ đồng ý nên các bộ vẫn làm theo trình tự rút gọn. Bộ Tư pháp, các bộ khác, các doanh nghiệp dù thấy sai với luật ban hành nhưng không thể yêu cầu làm theo trình tự đầy đủ.
Để chống lạm dụng quy trình rút gọn, tôi đề nghị phải có một số biện pháp như sau:
Một là, dự thảo đã bổ sung quy định để được phép rút gọn thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp. Đây là quy định cần thiết.
Hai là, bổ sung quy định trong văn bản đồng ý thủ tục rút gọn của Thủ tướng phải ghi rõ áp dụng thủ tục rút gọn theo trường hợp nào tại Điều 146 và phải lí giải vì sao văn bản này thuộc trường hợp đó. Quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp tâm phục, khẩu phục. Như hiện nay văn bản của cấp trên chỉ ghi “đồng ý với đề xuất làm thủ tục rút gọn” của bộ a, b, c, sau đó chỉ đưa văn bản này ra để nói rằng mình không lấy ý kiến đối tượng tác động khiến cho các doanh nghiệp, các tổ chức cảm thấy bị “đánh úp”, không được tôn trọng.
Ba là, phải sửa đổi khoản 3 Điều 146, khoản này hiện cho phép dùng thủ tục rút gọn khi cần sửa đổi văn bản để phù hợp với văn bản mới được ban hành. Các bộ lợi dụng điều này để áp dụng thủ tục rút gọn khi ban hành văn bản quy định chi tiết Điều 146 khoản 3 dùng để xử lí trường hợp chính sách đã được quyết định ở một văn bản, những văn bản khác chưa sửa kịp thời để phù hợp theo. Ví dụ, Chính phủ ban hành nghị định cho phép tư nhân kinh doanh quân trang, quân dụng nhưng nghị định về độc quyền nhà nước chưa kịp sửa để phù hợp, gây tình trạng xung đột giữa 2 nghị định, lúc đó cần sửa gấp nghị định về độc quyền nhà nước để phù hợp với nghị định mới của Chính phủ. Khi cần thủ tục rút gọn những văn bản quy định chi tiết không phải là trường hợp cần để xử lí xung đột, chồng chéo giữa hai văn bản quy định chi tiết, về bản chất là đặt ra quy định mới. Vậy phải sửa đổi Điều 146 khoản 3 để xử lí trường hợp cần sửa đổi ngay để tránh mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết để phù hợp với văn bản đã được quy định chi tiết.
Về vấn đề thủ tục hành chính tại thông tư, tình trạng các thông tư trước ngày 1/7/2016 có quy định thủ tục hành chính là phổ biến. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2010 cấm ban hành thủ tục hành chính tại thông tư, trừ trường hợp được luật giao đến các bộ, ngành sửa các thông tư này thì gặp vấn đề đó là có được phép hay không. Dự thảo bổ sung quy định cho phép nhưng không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện tăng thời gian giải quyết. Quy định như vậy sẽ khiến hàng trăm, hàng ngàn thủ tục hành chính vẫn cứ nằm tại cấp thông tư dù không được luật giao. Như vậy, quyền của người dân và doanh nghiệp không được đảm bảo. Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân chỉ được hạn chế bởi luật mà các thủ tục hành chính là xin cho, người dân, doanh nghiệp muốn thực hiện các quyền hiến định của mình phải làm thủ tục hành chính để xin cơ quan nhà nước, nếu để duy trì các thủ tục hành chính không được giao trong luật như vậy sẽ trái với tinh thần của Hiến pháp.
Một thời gian dài các bộ đặt ra các thủ tục hành chính là rất tùy tiện tại các thông tư và hiện nay cần phải rà soát để chấn chỉnh lại. Do đó cần có lộ trìnhđể làm việc này chứ không thể tiếp tục trao quyền cho các bộ như trước đây. Việc đưa các thủ tục hành chính lên cấp nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình soạn thảo các thủ tục này được minh bạch hơn. Phải qua cuộc kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, chứ ở các cấp bộ hiện nay công tác kiểm tra thủ tục hành chính không được đảm bảo, có bộ làm tốt, có bộ làm chưa tốt.
Đề nghị xử lí vấn đề này như sau: Nếu thủ tục hành chính nằm tại thông tư mà không đáp ứng Điều 114 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì sửa đổi luật hoặc nghị định là căn cứ ban hành thông tư đó, phải đưa thủ tục hành chính đó lên luật hoặc nghị định, nếu không đưa lên thì quy định về thủ tục hành chính tại thông tư đó phải hết hiệu lực. Cần có quy định thời hạn cuối cùng để các bộ, Chính phủ tiến hành rà soát các thông tư còn quy định thủ tục hành chính và quyết định xem nên giữ hay nên bỏ các thủ tục đó. Nếu giữ phải được nâng lên cấp nghị định, quyết định của Thủ tướng hoặc cấp luật chứ không thể để tồn tại các thủ tục hành chính không đầu ở các thông tư như vậy.
Xin cảm ơn Quốc hội.
Phạm Hồng Nam (tổng hợp)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=144138