Cần khoảng 320.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị mới Cam Lâm
Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, tổng diện tích tự nhiên hơn 54.719 ha, không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều. Ước tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khoảng 320.000 tỷ đồng.
Nơi ở mới của người dân có cuộc sống tốt hơn nơi cũ
Sáng 14/3, tại thị trấn Cam Đức, UBND huyện Câm Lâm đã tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045. Tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, lãnh đạo huyện Cam Lâm và lãnh đạo các sở, ngành cùng đông đảo người dân huyện Cam Lâm.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 205/QĐ-TTg mở ra cơ hội, động lực cho tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Cam Lâm nói riêng phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, dịch vụ và đô thị.
“Tôi mong muốn hơn ai hết, người dân Cam Lâm sẽ là những người được hưởng thụ đầu tiên các dịch vụ xã hội, hạ tầng chất lượng cao trong tương lai” – ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.
Để sớm hiện thực hóa quy hoạch, đồng thời tận dụng tối đa thời gian, cơ chế đột phá, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 01/8/2022 đến hết ngày 01/8/2027), Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND huyện Cam Lâm cùng với các sở, ban, ngành của tỉnh cần phải hết sức quyết tâm, quyết liệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền.
Trong đó, trước mắt cần khẩn trương tập trung hoàn thành công tác lập các nhiệm vụ và các đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000), tổ chức lấy ý kiến, trình thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định, đạt chất lượng, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân; làm cơ sở để triển khai các bước thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện Cam Lâm cần lưu ý thực hiện tốt các chính sách về bố trí tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo mục tiêu “người dân có nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi cũ”.
Cực tăng trưởng vùng Nam Trung Bộ
Theo quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045, khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, tổng diện tích tự nhiên hơn 54.719 ha, không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều.
Cam Lâm được định hướng phát triển thành cực tăng trưởng phía Nam tỉnh Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ; góp phần đưa tỉnh này trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Khu vực này sẽ được phát triển thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính - trí tuệ, đổi mới sáng tạo toàn cầu; trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; đô thị có môi trường sống chất lượng cao; có hạ tầng đồng bộ và hiện đại...
Ngoài ra, đô thị mới Cam Lâm còn là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới; là đô thị phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự báo quy mô dân số của đô thị này đến năm 2030 khoảng 320.000 người; đến năm 2045 khoảng 770.000 người.
Theo quy hoạch, phát triển đô thị mới Cam Lâm sẽ theo 4 trục động lực gồm trục hành lang cao tốc Bắc – Nam sẽ liên kết cảng Cam Ranh, sân bay Cam Ranh với hệ thống hạ tầng quốc gia; trọng tâm phát triển các đồng mối trung chuyển, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải thông minh đa phương tiện.
Ngoài ra, trục ven biển Bãi Dài sẽ liên kết từ sân bay Cam Ranh đến TP Nha Trang; trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí biển đảo. Trục trung tâm đô thị, từ cửa ngõ đô thị đến trung tâm khu vực Bãi Dài. Trọng tâm phát triển tập trung các chức năng mũi nhọn cấp vùng và cấp đô thị.
Cuối cùng, trục cảnh quan nước sẽ liên kết không gian nước từ vịnh Cam Ranh, qua đầm Thủy Triều đến sông Trường, suối Cầu, suối Cát…. trọng tâm bảo vệ nguồn nước, duy trì bền vững cấu trúc hệ thống thủy văn, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng cảnh quan xanh hấp dẫn đặc trưng bản địa và phát triển mô hình "đô thị du thuyền".
Đáng chú ý, quy hoạch đô thị mới Cam Lâm được thực hiện trong hai phân kỳ. Ước tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khoảng 320.000 tỷ đồng.
Trước đó, Khánh Hòa đã đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng các lãnh đạo Trung ương, địa phương về dự buổi Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 diễn ra tại thành phố Nha Trang vào ngày 2/3/2024.