Cần khung pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển năng lượng xanh
Viện Kinh tế Việt Nam sẽ chắt lọc các ý kiến chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp ngành năng lượng… để xây dựng báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng xanh theo Chiến lược đã đề ra - TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.
Năng lượng xanh là xu hướng tất yếu
Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh), trong đó tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Năng lượng xanh có nguồn tài nguyên tự nhiên không giới hạn, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường so với các nguồn năng lượng truyền thống như than và dầu mỏ, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo, giảm rủi ro của biến động giá năng lượng và là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Đồng thời, tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã cập nhật, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.
Theo đó, các mục tiêu về đóng góp giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính và biện pháp thực hiện đối với lĩnh vực năng lượng được Việt Nam cam kết: Đóng góp không điều kiện (thực hiện bằng các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân) giảm 64,8 triệu tấn CO2 tương đương; Đóng góp có điều kiện (khi được quốc tế hỗ trợ thêm tài chính thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương) giảm 227 tấn CO2 tương đương. Trong số các biện pháp thực hiện, cùng với việc giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Việt Nam sẽ nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…
TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Tuy nhiên, từ thực tiễn hiện nay, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ, việc triển khai các dự án năng lượng xanh, trong đó có các dự án điện khí LNG đang còn nhiều khó khăn. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Nhưng hiện nay mới chỉ có Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đi vào hoạt động từ năm 2015 - nhà máy này đang sử dụng nhiên liệu dầu, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng khí Lô B.
TS. Nguyễn Quốc Thập nêu rõ, nguyên nhân khiến các dự án bị “ách” lại là do thiếu khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận về pháp lý - kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí LNG.
Cần hoàn thiện chính sách, khung pháp lý cho năng lượng xanh
Qua nghiên cứu thực tế, TS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Cần thiết phải đánh giá đúng thực trạng, từ đó có những giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch này”.
Theo các chuyên gia, để thực hiện khát vọng xanh hóa ngành năng lượng Việt Nam, trước tiên cần bắt đầu từ chính sách. Đồng quan điểm, GS,TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, các chính sách hướng tới phát triển bền vững cần tập trung vào 04 trụ cột chính, bao gồm thị trường năng lượng, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu.
Trước hết, cần xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp, đó là hydro sạch, giao thông vận tải và logistic xanh, với một cơ quan liên bộ đóng vai trò dẫn dắt, triển khai các chiến lược ngành này - TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất.
Ngoài ra, các dự án tăng tốc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố. Các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Theo TS. Hà Huy Ngọc, hệ thống phân loại cần bao gồm danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh, kèm theo đó là các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của từng ngành, như mức phát thải khí nhà kính và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, cùng với quy trình xác minh, chứng nhận và hướng dẫn cho các bên liên quan.
“Phải có các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ các dự án xanh, đây là điều cần thiết để Việt Nam tăng tốc thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, đặc biệt là trong các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao do quy mô và độ phức tạp của các công nghệ mới”.
TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia và doanh nghiệp ngành năng lượng cũng nêu vấn đề để thiết lập được hệ thống cung cấp năng lượng xanh cần những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ ứng dụng trong sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
TS. Vũ Minh Pháp - Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam gợi ý, các doanh nghiệp ngành năng lượng, như doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon thông qua việc tích cực thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC; quản lý kiểm kê và phát thải khí nhà kính; định mức phát thải, hạn ngạch phát thải và phân bổ hạn ngạch…
Các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam có thể xây dựng một lộ trình để triển khai và ngừng vận hành hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS) nội bộ, khi đánh giá được các đơn vị thành viên đã đủ kinh nghiệm để tham gia thị trường carbon bắt buộc, như vậy sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình chuyển đổi và đảm bảo sự liên tục trong việc quản lý phát thải khí nhà kính./.