Cần khung pháp lý rõ ràng đối với du lịch nông nghiệp

Theo giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp, mô hình du lịch nông nghiệp hiện chưa có khung pháp lý rõ ràng khiến việc đầu tư còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Do đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách về mô hình thí điểm, chọn một số mô hình nổi bật, có hiệu quả để hỗ trợ thúc đẩy phát triển.

Thông tin được đưa ra tại talkshow "Du lịch nông nghiệp - sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế” do Viện Kinh tế và Du lịch nông nghiệp, Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED Center) phối hợp cùng Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chiều 19/5 tại Thừa Thiên Huế.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những năm gần đây việc định hướng phát triển quốc gia, vùng đất theo hướng bền vững là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, du lịch nông nghiệp là ngành mới, có tiềm năng lớn, có thể trở thành cú bật thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhà hoạch định Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Du lịch nông nghiệp cho rằng, cần xem du lịch nông nghiệp là một ngành được kết hợp bởi 2 lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Nếu chúng ta kết hợp, áp dụng một cách nhuần nhuyễn vào các vùng nông thôn thì giá trị cho những vùng nông thôn sẽ gia tăng.

Ông Tùng cũng chỉ ra những giá trị tiềm năng to lớn của Việt Nam về phát triển du lịch nông nghiệp như khí hậu, thổ nhưỡng, sinh vật... Đây là nội lực mạnh mẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về du lịch nông nghiệp.

Trong chương trình, các chủ trang trại và các doanh nghiệp du lịch cộng đồng đã trao đổi về mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương như nuôi trồng thủy hải sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng...

Ông Đặng Minh Nam - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước những chủ trương phát triển nông thôn mới của Chính phủ, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững. Chính quyền đã có những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn...

Ông Nam mong muốn được lắng nghe thêm những kinh nghiệm quý báu từ doanh nghiệp đã thành công để thêm kiến thức, kỹ năng phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, theo ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, mô hình du lịch nông nghiệp hiện chưa có khung pháp lý rõ ràng khiến việc đầu tư còn nhiều khó khăn, mơ hồ. Do đó, các doanh nghiệp nên chia sẻ các khó khăn để đồng hành cùng chính quyền, qua đó tháo gỡ vướng mắc, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cùng quan điểm, ông Trần Đình Tú - Chủ tịch Công ty Làng Sinh Thái Việt Nam nhìn nhận, trong quá trình đầu tư, hiện tại tỉnh chưa có khung pháp lý rõ ràng khiến quá trình đầu tư còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Vì vậy, ông Tú kiến nghị Nhà nước đưa ra các chính sách về mô hình thí điểm, chọn một số mô hình nổi bật, có hiệu quả để hỗ trợ thúc đẩy phát triển.

Talkshow "Du lịch nông nghiệp - sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế” nằm trong hành trình Xuyên Việt Farmstay hướng về hội nghị bàn giải pháp phát triển & xúc tiến đầu tư bất động sản phục vụ Du lịch Nông nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào ngày 25/5 tới. Ngày 21/5, talkshow "Du lịch nông nghiệp - Sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Hà Tĩnh" sẽ được tổ chức tại Hà Tĩnh.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/can-khung-phap-ly-ro-rang-doi-voi-du-lich-nong-nghiep/20230520065828636