Cuộc cạnh tranh giữa 15 triệu sao mạng ở Trung Quốc

Hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang lao vào cuộc chiến trở thành ngôi sao livestream, chấp nhận mạo hiểm và cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Giữa lòng thành phố Trường Sa sầm uất (Hồ Nam, Trung Quốc), trong căn phòng livestream ngập tràn ánh đèn, streamer nổi tiếng Uncle Iron đang chia sẻ bí quyết thành công cho những học viên đầy nhiệt huyết. Theo anh, để thu hút người xem, streamer cần có một nickname dễ nhớ, một tài khoản ấn tượng và chút thông tin cá nhân hấp dẫn.

Với ước tính 15 triệu người đang hoạt động trong lĩnh vực này, cạnh tranh là cực kỳ khốc liệt. Giữa "rừng" streamer đông đảo, chỉ một số ít tên tuổi như "ông hoàng son môi" Li Jiaqi hay thầy giáo tiếng Anh Dong Yuhui mới có được hào quang rực rỡ.

Phần lớn streamer phải vật lộn với việc bán hàng online giá rẻ, tham gia các trò chơi nguy hiểm để câu lượt xem hay sống bằng tiền thưởng từ người xem, theo Sixth Tone.

 Trung Quốc, "công xưởng livestream" của thế giới, là nơi hàng triệu người trẻ khao khát trở thành ngôi sao mạng. Ảnh minh họa: VCG.

Trung Quốc, "công xưởng livestream" của thế giới, là nơi hàng triệu người trẻ khao khát trở thành ngôi sao mạng. Ảnh minh họa: VCG.

MCN (Multi-channel networks), các công ty quản lý đa kênh, được xem là "phao cứu sinh" cho những người muốn trở thành streamer nổi tiếng. Với dịch vụ sản xuất nội dung, quảng bá và kiếm tiền, 25.000 MCN tại Trung Quốc đã thu hút không ít streamer tham gia.

Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ nhiều mặt trái. Streamer không có quyền kiểm soát nội dung livestream. Ngoài ra, việc phân chia lợi nhuận cũng là vấn đề gây tranh cãi. Các streamer thường chỉ giữ lại 20% thu nhập, 30% thuộc về MCN và 50% còn lại là của nền tảng.

Bên cạnh con đường ký hợp đồng với MCN, những người không muốn bị ràng buộc có thể chọn cách học nghề từ các streamer độc lập đã có tên tuổi như Uncle Iron.

Khi đạt được một lượng người theo dõi nhất định, các streamer này thường đăng tin tuyển học viên trên trang cá nhân. Những streamer mới vào nghề sẽ liên hệ và trả phí cho người cố vấn, từ đó thu hút thêm người xem cho kênh của mình.

 "Ông hoàng son môi" Li Jiaqi (trái) trong phiên livestream. Ảnh: Ning Jing/VCG.

"Ông hoàng son môi" Li Jiaqi (trái) trong phiên livestream. Ảnh: Ning Jing/VCG.

Một trong những hình thức nội dung phổ biến nhất trong cộng đồng streamer độc lập là "street battle", những cuộc đối đầu giữa hai streamer trên màn hình chia đôi. Đây là nơi các streamer thể hiện tài năng, cạnh tranh với nhau để giành được nhiều quà tặng ảo từ khán giả.

Không có yêu cầu cụ thể về kỹ năng để tham gia "street battle". Theo Uncle Iron, bạn chỉ cần "dám liều và không bỏ cuộc", "chơi hết mình hoặc về nhà".

Việc học việc với streamer độc lập được coi là lựa chọn hấp dẫn hơn so với việc ký hợp đồng với MCN.

"Đừng bao giờ gia nhập công ty khi mới bắt đầu. Bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn là kiếm được, và thậm chí không nhận được khoản thanh toán cơ bản nếu không livestream đủ thời gian yêu cầu", Da Liu, streamer có kinh nghiệm, chia sẻ.

Không bị ràng buộc hợp đồng như thỏa thuận với MCN, mối quan hệ thầy trò của các streamer dựa trên sự hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau, có thể được thiết lập hoặc chấm dứt thông qua đàm phán đơn giản

Bên cạnh học hỏi kinh nghiệm, học viên còn hỗ trợ livestream người hướng dẫn. Chẳng hạn như chuẩn bị đạo cụ tương tác với khán giả, làm "nóng" buổi livestream, thậm chí tặng quà để khuyến khích người hâm mộ làm theo. Qua đó, họ dần hòa nhập vào cộng đồng streamer, làm quen với quy trình và thừa hưởng lượng người xem từ người hướng dẫn.

 Các streamer phải tự mình tìm kiếm cơ hội, xây dựng thương hiệu cá nhân và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Ảnh minh họa: PBS.

Các streamer phải tự mình tìm kiếm cơ hội, xây dựng thương hiệu cá nhân và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Ảnh minh họa: PBS.

Tuy nhiên, hầu hết streamer đường phố không coi đây là một nghề nghiệp ổn định. Thời gian gần đây, sự hỗn loạn của ngành livestream bị giám sát chặt chẽ, khiến hoạt động livestream đường phố phải thay đổi.

Ví dụ, tại thành phố Trường Sa, những người biểu diễn nghệ thuật đường phố tại quảng trường Wuyi giờ đây cần có giấy phép hoạt động.

Hầu hết nghệ sĩ đường phố có giấy phép đều tham gia vào các loại hình biểu diễn "đàng hoàng" hơn như ca hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ hoặc vẽ tranh, trong khi những streamer ồn ào tham gia vào street battle đã biến mất khỏi những địa điểm nổi bật.

Tìm kiếm người hướng dẫn, nhận học viên, tranh đấu và la hét - những streamer này như những bóng hình nhỏ bé, lạc lõng giữa dòng chảy xô bồ của đô thị Trung Quốc, theo đuổi một giấc mơ gần như không thể.

Nhiều streamer đã phải từ bỏ giấc mơ của mình, chấp nhận quay về với cuộc sống bình dị. Những người còn ở lại vẫn miệt mài hoạt động, nhưng tương lai vẫn mịt mờ như lời của streamer Yao Ge, "không biết có thể tiếp tục được bao lâu, cũng không biết đang đi về đâu".

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuoc-canh-tranh-giua-15-trieu-sao-mang-o-trung-quoc-post1484803.html