Cần kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu
Dự báo, thị trường thịt lợn sẽ không còn khan hiếm. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với thịt nhập khẩu là hết sức cần thiết…
Trong lúc nguồn thịt lợn trong nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, thịt lợn nhập khẩu tiếp tục tăng đột biến và đặc biệt là người tiêu dùng (NTD) trong nước đang quen dần với thịt đông lạnh nhập khẩu. Dự báo, thị trường thịt lợn sẽ không còn khan hiếm. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với thịt nhập khẩu là hết sức cần thiết…
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá thịt đông lạnh nhập khẩu trên thị trường liên tục tăng cao. Tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thịt lợn nhập khẩu từ Brazil, Canada, Ba Lan được niêm yết giá khá cao: sườn non 185.000 đồng/kg; cốt lết 139.000 đồng/kg; bắp giò 122.000 đồng/kg... Với mức giá này, thịt lợn nhập khẩu thấp hơn thịt trong nước chỉ khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg, trong khi trước Tết 2021, giá thịt ngoại nhập chỉ bằng khoảng 50-60% so với thịt trong nước.
Giải thích nguyên nhân giá thịt nhập khẩu tăng mạnh sau Tết, ông Trần Huỳnh Huy – Chủ cửa hàng Meat Shop (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Thông thường sau Tết giá thịt sẽ giảm, nhưng năm nay do cước phí tăng nên giá thịt nhập khẩu tăng theo. Trước đây, cước phí tàu nhập 1 container hàng khoảng hơn 30 triệu đồng, nhưng nay tăng lên gần 200 triệu đồng. Đây là mức cước chung nên hầu hết các đơn vị kinh doanh thịt nhập khẩu trên thị trường đều đồng loạt tăng giá bán”.
Một chủ doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh từ Mỹ, Úc, Canada..., có kho hàng ở quận 12 nhận xét: Hiện nay, ở phân khúc khách hàng cá nhân, sức tiêu thụ thịt nhập khẩu giảm so với dịp Tết nhưng không đáng kể. Còn phân khúc khách hàng của khối nhà hàng, quán ăn… thì mức tiêu thụ không giảm và đối tượng khách hàng này thường mua sỉ (13-17kg/thùng) nên giá mềm hơn khá nhiều so với giá bán lẻ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 141.000 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh trị giá 334,44 triệu USD. Tháng 1-2021, Việt Nam nhập khẩu 10.250 tấn, trị giá hơn 24 triệu USD, tăng hơn 322% về lượng và tăng hơn 401% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Nga, Canada, Brazil, Ba Lan và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam.
Mặc dù sản lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh từ cuối năm 2020 đến nay để bù vào nguồn thiếu hụt trên thị trường. Nguồn cung tăng nhưng giá thịt lợn trong nước vẫn đứng ở mức cao, không giảm.
Anh Nguyễn Thanh Long, chủ trại nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) chia sẻ: “Giá lợn hơi từ sau Tết đến nay dao động ở mức 70.000 – 78.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có lãi khoảng 1-1,5 triệu đồng/con (100kg). Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi từ cuối năm đến nay liên tục tăng, đến nay tăng khoảng 40.000 – 45.000 đồng/bao (25kg), rồi giá lợn giống cũng tăng. Như vậy, tính ra lãi không bao nhiêu trong khi trước đó nhiều hộ chăn nuôi “trắng tay” do dịch tả lợn châu Phi”.
Chính vì nguồn cung thịt lợn trong nước còn hạn chế, nên các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn đang “chạy đua” mở rộng thị phần.
Lượng thịt nhập khẩu vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều và đang dần chiếm lĩnh thị phần nội địa. Vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm là hết sức cấp thiết. Theo Bộ NN&PTNT, đến nay có gần 2.000 công ty của 24 quốc gia và vùng lãnh thổ được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm động vật vào Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Mỹ có 479 công ty, Pháp 172, Nhật 152, Úc 130, Ý 121, Brazil 86 công ty…
Để cạnh tranh với sản phẩm thịt lợn trong nước, các đơn vị nhập khẩu và phân phối đều đưa ra những cam kết để NTD yên tâm sử dụng: Thịt nhập khẩu đã qua kiểm dịch; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có ngày sản xuất, hạn sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo quy định, thịt sau khi rã đông phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 4 – 5 độ C nhưng có nơi bảo quản không đúng, không bao gói, nhãn mác, nhất là các chợ truyền thống, các điểm bán lẻ. Tuy nhiên, cũng có không ít đối tượng nhập lậu thịt đông lạnh, không có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng về bán kiếm lời.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: “Lực lượng QLTT liên tục phát hiện nhiều lô hàng thịt đông lạnh trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đáng báo động là nhiều lô hàng đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng... Các đối tượng né lực lượng kiểm tra bằng cách tranh thủ nhập hàng về kho vào ban đêm và chia nhỏ hàng bỏ sỉ lại cho các cá nhân chuyển hàng đi các tỉnh lân cận tiêu thụ”.
Điển hình là vụ một công ty kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội đã nhập lậu hơn 6 tấn thịt đông lạnh các loại tiêu thụ trực tiếp tại Hà Nội và xé lẻ đi các địa bàn giáp ranh. Những sản phẩm động vật này được doanh nghiệp nhập khẩu mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, đồng thời không được kiểm định chất lượng theo quy định... Mới đây, Cục QLTT Bình Phước cũng phát hiện gần 1 tấn thịt lợn, gà đông lạnh các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/can-kiem-soat-chat-luong-thit-nhap-khau-635761/