Cần kiên trì và nhất quán trong thực thi bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Sự phát triển của khoa học công nghệ và tiện ích của của nó là điều kiện thuận lợi để các đối tượng có ý đồ xấu thực hiện mục đích trục lợi bằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần kiên trì và nhất quán trong thực thi bảo vệ bản quyền.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay trên không gian mạng có khoảng hơn 200 website cung cấp nội dung có dấu hiệu vi phạm bản quyền về phim số, nhạc số, truyện tranh, chương trình truyền hình… có giao diện tiếng Việt.

Đại diện 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số

Đại diện 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số

Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, một số dạng vi phạm bản quyền nội dung số phổ biến tại Việt Nam gồm IPTV; phim số; truyện số: truyện tranh, truyện chữ; nhạc số; phát chiếu trực tiếp các trận đấu thể thao, chương trình biểu diễn…Cung cấp nội dung, tài liệu, văn bản, công trình nghiên cứu khoa học…

Theo quy định của pháp luật, Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp xử lý vi phạm, trong đó có khởi tố hình sự, xử phạt vi phạm hành chính, ngăn chặn truy cập IP xuất phát từ Việt Nam.

Theo đó, khởi tố 04 vụ án hình sự, 04 bị can: 02 vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan qua công nghệ IPTV qua 02 ứng dụng: "Bestbuy IPTV" và "Aplay-TV"; 02 vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan qua website phát chiếu phim: www.phimmoi.net, www.bilutv.net.

Phát hiện, đấu tranh với nhiều nhóm đối tượng quản trị, điều hành các website đăng tải nội dung vi phạm bản quyền về phim số, truyện số và bản quyền phát chiếu các trận đấu bóng đá trong nước và quốc tế; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính hàng chục nhóm đối tượng.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra 122 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, kết quả: Số máy tính được kiểm tra 2.966 máy tính. Trong đó, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xử phạt hành chính 111 doanh nghiệp vi phạm bản quyền chương trình phần mềm máy tính (số tiền xử phạt: 3.330.000.000 đồng).

Tuy nhiên, theo Thiếu tá Lê Anh Tuấn, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn bởi nguồn nội dung vi phạm bản quyền trên mạng Internet rất lớn. Nguồn nội dung số có dấu hiệu vi phạm bản quyền trên không gian mạng là khổng lồ, phong phú và xuyên biên giới, thông qua các trang web đăng tải theo hình thức peer to peer như: "The Pirate Bay", "1337x", "YTS", "Torrentz2", "EZTV"… Tội phạm dễ dàng tải về các nội dung đã đăng ký bản quyền, có giá trị.

Bên cạnh đó, tội phạm có tính ẩn danh cao: Các website cung cấp nội dung vi phạm bản quyền chủ yếu thuê đặt máy chủ, đăng ký tên miền nước ngoài hoặc sử dụng dịch vụ ẩn danh (CloudFlare) che giấu thông tin đăng ký tên miền, máy chủ.

Các đối tượng thường sử dụng thông tin không chính chủ: thuê/mượn căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, SIM điện thoại "rác", dùng các ứng dụng OTT để liên lạc (Telegram, Viber, Snapchat, Skype…), sử dụng tiền ảo/ tiền điện tử để nhận tiền quảng cáo gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra.

Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức gồm 5 phiên thảo luận, khép lại vào trưa 21/6 vừa qua tại Hà Nội. Ngoài các chuyên gia trong nước, 70 chuyên gia đến từ 15 quốc gia tại các khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Ả Rập và châu Mỹ La tinh đóng góp nhiều kinh nghiệm về ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số.

Hiện, ở Việt Nam áp dụng một số biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao như: Công tác điều tra, xác minh; Công tác ngăn chặn truy cập: Bộ Công an phối hợp Bộ Thông và Truyền thông đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước chặn truy cập tới các trang mạng cung cấp nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có các trang cung cấp nội dung xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Khó khăn trong công tác đánh giá thiệt hại từ hoạt động xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phần lớn các chủ thể quyền ở nước ngoài, việc đánh giá thiệt hại từ hành vi vi phạm bản quyền nội dung gặp nhiều khó khăn; hình phạt cho các hành vi này phần lớn là xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền), chưa tương xứng thiệt hại thực tế mà các đối tượng gây ra.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trên môi trường số nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số tác giả chưa nắm vững các quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Kiên trì và nhất quán trong thực thi bảo vệ bản quyền

Theo Thiếu tá Lê Anh Tuấn, để chống lại vi phạm bản quyền trong bối cảnh công nghệ phát triển, cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về nội dung số trên môi trường mạng. Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và đàm phán với chủ sở hữu quyền.

Vi phạm bản quyền trên môi trường số khá phổ biến tại Việt Nam

Vi phạm bản quyền trên môi trường số khá phổ biến tại Việt Nam

Khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm của mình, nỗ lực hơn trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Cải tiến những bất cập trong việc thu phí bản quyền, mức phí cần hài hòa các lợi ích tác giả, người cung cấp dịch vụ, người dùng. Tập trung một đầu mối để đàm phán, ký kết.

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cần hình thành các Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sở hữu trí tuệ, tạo chuyển biến tích cực trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác hợp tác quốc tế trên cơ sở giúp đỡ, hướng dẫn, trao đổi chia sẻ, Việt Nam đề nghị các nước một số nội dung: Tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp từ thực tiễn công tác bảo vệ bản quyền nội dung của từng nước; qua đó đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác cũng như nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; Đề nghị cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia quản lý công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới yêu cầu cung cấp các thông tin đăng ký tên miền, máy chủ, dịch vụ ẩn danh (Cloudflare) tài khoản tiền ảo, tiền điện tử, Email, Facebook, Youtube… có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác xác minh, đấu tranh, xử lý các đối tượng trong lĩnh vực này.

Theo ông Yongeil Lee, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cơ quan Bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc- KCOPA), lịch sử bảo vệ bản quyền đã tiến bộ cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Theo ông Yongeil Lee, sự phát triển công nghệ kéo theo sự xuất hiện của các trang web bất hợp pháp, quy mô lớn xuyên quốc gia. Các trang web này có ISP (dịch vụ internet), trung tâm dữ liệu và địa điểm hoạt động đều khác nhau, hoạt động thông qua bitcoin và doanh thu quảng cáo bất hợp pháp.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực thi bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực thi bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Hàn Quốc có một chiến lược ứng phó toàn diện được thực hiện bởi KCOPA và cơ quan tư vấn liên chính phủ gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc và Cơ quan cảnh sát quốc gia. Các cơ quan phối hợp thực hiện 4 chiến lược chính gồm: (1) Tốc độ và phản hồi nghiêm ngặt: Chặn trang web nhanh chóng và tập trung điều tra, mở rộng các biện pháp dân sự và hình sự; (2) Hợp tác quốc tế: Tăng cường phôíhợp với các cơ quan điều tra các nước & Interpol; (3) Điều tra khoa học: Mở rộng pháp y kỹ thuật số, tổ chức lại các đội điều tra tội phạm bản quyền...; (4) Thay đổi nhận thức về bản quyền: Thúc đẩy nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch công khai.

Ông Yongeil Lee khẳng định, với sự đồng bộ trong chiến lược thực hiện, việc chống vi phạm bản quyền sẽ thực hiện được, điều cần thiết là kiên trì và nhất quán trong chính sách và các biện pháp thực thi./.

An An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-kien-tri-va-nhat-quan-trong-thuc-thi-bao-ve-ban-quyen-tren-moi-truong-so-20240626121941889.htm