Cần kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân
ĐBP - Việc giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của cử tri, người dân sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền; hạn chế phát sinh phức tạp, khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Tuy nhiên thời gian qua vẫn còn một số kiến nghị cử tri phản ánh có căn cứ, có cơ sở nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời hoặc giải quyết quá lâu.
Một trong những vấn đề đang được nhiều hộ dân bản Cây Muỗm và bản Húi To, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) quan tâm kiến nghị các cấp chính quyền huyện Mường Nhé giải quyết trong thời gian qua là việc thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ giống dê sinh sản cho người dân theo Quyết định số 141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 - 2012. Theo ông Lỳ Đồng Tá, nguyên Chủ tịch UBND xã Chung Chải: Thực hiện Quyết định 141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay bản Cây Muỗm và bản Húi To còn 14 hộ dân chưa được nhận hỗ trợ dê sinh sản. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa được hỗ trợ theo quy định. Để tạo điều kiện cho người dân có tư liệu sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đề nghị huyện kiểm tra lại việc thực hiện hỗ trợ, giải quyết nhu cầu, kiến nghị chính đáng cho người dân.
Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Đối với điểm bản Cây Muỗm và Húi To trước đây được thực hiện bố trí sắp xếp dân cư theo Quyết định 141/QĐ-TTg. Khi huyện thực hiện chính sách hỗ trợ của Đề án, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai cho các hộ dân đăng ký nhu cầu hỗ trợ giống dê sinh sản, bản Cây Muỗm có 12/20 hộ đăng ký hỗ trợ, còn 8 hộ không đăng ký; bản Húi To có 27/35 hộ đăng ký, 8 hộ không đăng ký hỗ trợ. Những hộ không đăng ký nhận hỗ trợ nên huyện không thực hiện hỗ trợ. Việc này đã diễn ra từ rất lâu, nay người dân lại kiến nghị, đề nghị hỗ trợ. UBND huyện đã tiếp thu ý kiến và giao cho phòng trong thời gian tới sẽ xem xét hỗ trợ người dân khi được giao vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Người dân bản Tà La, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) kiến nghị bản đang quản lý bảo vệ 39ha rừng, nhưng chưa được quy hoạch vào 3 loại rừng, do khi rà soát thì 39ha này là đất sản xuất của nhân dân. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi, người dân bản Tà La đề nghị các cấp, ngành xem xét bổ sung 39ha rừng trên vào quy hoạch 3 loại rừng để người dân tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, do việc rà soát có khối lượng công việc lớn, yêu cầu kỹ thuật chuyên môn cao nên tiến độ thực hiện chậm. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện và thống nhất số liệu diện tích, vị trí… cần đưa ra và đưa vào quy hoạch 3 loại rừng.
Trên đây chỉ là 2 vụ việc cụ thể về việc chậm trễ giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân. Theo thống kê, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, còn 12 kiến nghị của cử tri, các cấp, các ngành đã tiếp nhận nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong và cũng chưa xác định rõ thời gian giải quyết cụ thể, trong đó có những việc đã kéo dài nhiều năm, cử tri bức xúc. Cụ thể như: Dự án xây dựng Trung tâm thi đấu đa năng tỉnh tại phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ); việc thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ đất, cây cối, tài sản của người dân bị thu hồi đất và hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công Dự án đường Tà Lèng - Mường Phăng; chính sách bồi thường khi thu hồi đất của dân sở tại giao cho các hộ dân tái định cư mẫu Nậm Chim, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ)...
Theo giải thích của cơ quan chức năng: Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành của tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Một số kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, ban hành chính sách và nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tiếp theo nên không xác định được thời gian giải quyết cụ thể; một số kiến nghị là những việc đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm trước, có nội dung phức tạp nên khó khăn trong quá trình xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri nên trong chỉ đạo còn thiếu quyết liệt, sâu sát; công tác phối hợp trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri có việc chưa kịp thời, dứt điểm.