Cần lắm một mùa tuyển sinh 'sạch'

Sáng 25/6, gần 900 nghìn học sinh trên cả nước chính thức bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2019. Với những chuẩn bị kỹ lưỡng, người ta hy vọng sẽ có một mùa tuyển sinh 'sạch' trong năm nay.

Ngành giáo dục đào tạo đang đưa ra quyết tâm “lập lại trật tự” với thi cử trong đó có kỳ thi THPT (Ảnh TL)

Đời học sinh người Việt, từ bậc tiểu học lên đến bậc THPT trải qua rất nhiều kỳ thi. Mỗi kỳ thi với mỗi học sinh cũng như các bậc phụ huynh đều quan trọng nhưng có lẽ không gì quan trọng hơn bằng kỳ thi THPT – bậc học được cho là cuối cấp này.

Kỳ thi cuối cấp và được coi là bước ngoặt quan trọng đầy “dữ dội” của mỗi học sinh. Vì từ đây, với tấm bằng tốt nghiệp được cấp không những để ghi dấu ấn đời học sinh còn là sự lựa chọn theo thang điểm quy định của các trường đại học để các em tiếp tục bước con đường học hành của mình.

Và từ sự lựa chọn theo quy định thang điểm này, các em sẽ bước vào mỗi trường đại học, để với thời gian học theo quy định, các em ra trường, sẽ có tấm bằng đại học, ghi dấu ấn nghề nghiệp và trở thành “công cụ” kiếm sống trong thời gian tiếp theo và có thể đó là “nghiệp” của cả đời mỗi con người.

Cũng vì sự quan trọng, cũng vì gắn với công việc sau này của đời mỗi học sinh nên việc đỗ tốt nghiệp THPT và chọn trường đại học đã được các em cũng như bậc phụ huynh quan tâm hơn bao giờ hết. Từ sự quan tâm, lo lắng về sự nghiệp sau này nên nhiều bậc phụ huynh đã không tìm lối đi riêng đó là chạy điểm, chạy trường cho con. Và hệ quả là đã dẫn đến cả một mùa thi THPT trước với đầy sai phạm đã xẩy ra ở các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong mùa tuyển sinh vừa qua.

Nhiều học sinh bị truất quyền học tập, nhiều bậc phụ huynh liên đới bị khiển trách, cảnh cáo, kỷ luật; nhiều cán bộ coi và chấm thi dính vòng lao lý, đó đã là bài học đầy cảnh tỉnh cho các cán bộ ngành giáo dục, thầy và trò cả nước.

Trước bài học đầy nhãn tiền ấy, năm nay nhiều phương kế chống chọi với tiêu cực, gian lận thi cử được đưa ra. Bằng cách chuẩn bị, rút kinh nghiệm và có nhiều biện pháp mới này đã đang đem đến cho các em học sinh, bậc phụ huynh những hy vọng.

Trước khi bước vào ngày thi, cùng với các biện pháp và sự lựa chọn cán bộ coi và tham gia thi, để thêm lần nữa khẳng định một mùa tuyển sinh THPT sạch sẽ, với quyết tâm loại bỏ tiêu cực, gian lận. Đặc biệt hơn, tư lệnh ngành giáo dục đã lên truyền hình để phát biểu. Với những phát ngôn ngắn gọn, quả quyết, người đứng đầu ngành giáo dục đã một lần nữa khẳng định những an toàn, chất lượng cho mùa tuyển sinh THPT năm nay.

Kỳ thi THPT năm nay, từ việc rút kinh nghiệm cho mùa tuyển sinh đầy tai tiếng của năm trước, ngoài việc huy động, phối hợp tất cả các lực lượng vào cuộc thì ngành giáo dục còn đưa ra nhiều biện pháp “mạnh tay” hơn như: Sàng lọc các cán bộ tham gia coi thi, không cho các cá nhân có yếu tố thân quen, người nhà tham gia công tác này. Rồi gắn camera thậm chí đưa vào cả các dụng cụ phát hiện những vật như nghe lén, thu phát sóng tinh vi...

Cũng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 này, để tránh những tiêu cục, gian lận đã xẩy ra, từ đầu tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định về việc giao nhiệm vụ tổ chức thi THPT quốc gia 2019. Theo đó, Bộ giao các trường đại học, học viện, cao đẳng, các trường đào tạo giáo viên, phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo đúng quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT hiện hành. Tại mỗi cụm thi, Bộ cũng quy định rõ các đơn vị chủ trì chấm môn thi trắc nghiệm.

Mùa thi THPT năm nay, toàn quốc có 63 cụm thi và nhiều biện pháp mới cũng đã được rút kinh nghiệm và áp dụng. Riêng tại Hà Nội và một số thành phố lớn, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị bộ phận an ninh đưa đường link trình chiếu nhận dạng thiết bị gian lận phòng thi lên trang web của Sở. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức các Đoàn kiểm tra về cơ sở vật chất của hơn 100 điểm thi, trong đó có 94 điểm thi đã được đặt làm điểm thi tuyển sinh vào 10 THPT năm nay. Với các điểm thi này, đoàn đã kiểm tra rất kĩ lưỡng và yêu cầu rà soát lại, phải đảm bảo các điều kiện.

Cũng tại địa bàn Thủ đô, nơi được coi là có số lượng thí sinh tham gia kỳ thi THPT lớn nhất trong toàn quốc, để quán triệt và loại trừ nguy cơ gian lận thi cử, đội ngũ cán bộ coi thi được điều động theo nguyên tắc 50% số cán bộ coi thi là giáo viên các trường phổ thông, số còn lại là giảng viên của 13 trường đại học, học viện với hơn 3.100 phòng thi để bố trí đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, tất cả 125 điểm thi đã được rà soát và trong tư thế sẵn sàng phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra.

Hà Giang vốn là 1 trong 3 điểm nóng về gian lận, nâng điểm thi cử trong thời gian qua, tới thời gian này toàn tỉnh dự kiến có gần 1.200 lượt người tham gia tổ chức thi, trong đó cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học khoảng 350 lượt, lực lượng an ninh bảo vệ khoảng 120 lượt.

Để hạn chế, phòng ngừa tiêu cực, rút kinh nghiệm năm 2018, Hà Giang cũng đưa ra một số giải pháp như: Phổ biến, hướng dẫn quy chế thi cho tất cả các lực lượng tham gia tổ chức thi như công an, cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên và học sinh. Quá trình in sao đề thi, vận chuyển và bàn giao đề thi, coi thi, chấm thi phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy chế. Đặc biệt tăng cường công tác quản lý, giám sát thi trong quá trình bảo quản, lưu giữ đề thi, bài thi, quá trình coi thi, vận chuyển, bàn giao bài thi.

Đối với nơi lưu giữ bài thi, ngoài việc có tủ sắt đựng bài thi, năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã bố trí ở 20 điểm thi mỗi điểm 2 camera giám sát, thay vì 1 camera như yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại các điểm thi của Hà Giang đều có máy phát điện dự phòng trường hợp mất điện, nhưng sở vẫn trang bị thêm hộp tích điện có khả năng trữ điện được 6 giờ cho camera ở tất cả 20 điểm thi.

Ngày hôm nay, gần 900.000 các em học sinh trên mọi miền quê chính thức bước vào kỳ thi THPT. Ngoài các em ở các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng thuận lợi về giao thông, gần trường, gần lớp thì còn là rất nhiều các em ở các tỉnh miền núi. Nhiều nơi, các em học sinh đã phải “cơm nắm, muối đùm” vượt dốc đèo thác khe để đến với điểm thi từ trước đó dôi ba ngày. Cùng với sự nhọc nhằn này, người ta hy vọng một mùa thi đầy an toàn, nghiêm túc, chất lượng sẽ đến cùng các em và với mỗi gia đình!

An Nhiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-lam-mot-mua-tuyen-sinh-sach-post64064.html