Cần làm rõ đối tượng của Đề án khai thác lòng đường, hè phố

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Các chuyên gia tham gia phản biện nhất trí cao với sự cần thiết của đề án. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cơ quan soạn thảo cần làm rõ, tính toán kỹ lưỡng để tránh những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.

Nội dung đề án được đánh giá cao với các số liệu khảo sát thực tiễn có giá trị khoa học. Theo đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông của thành phố mới đạt 10,07% diện tích đất đô thị so với yêu cầu của quy hoạch là 20%-26%. Quỹ đất giao thông tĩnh cũng chỉ đạt 1% so với yêu cầu của quy hoạch là từ 3%-4% . Diện tích đất làm nơi đỗ xe trong toàn thành phố mới đáp ứng 10%. Điều đó cho thấy tính cấp bách của việc cần khai thác vỉa hè, lòng đường cho các dịch vụ giao thông.

Đề án đã cung cấp khá đầy đủ các số liệu thống kê về hiện trạng đường đô thị và các tuyến đường được thiết kế đường đô thị, trên cơ sở đó mô tả và đánh giá thực trạng công tác quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội.

Cơ quan soạn thảo Đề án là Sở Xây dựng đã tổ chức khảo sát thực địa về chiều dài, chiều rộng vỉa hè của 273 tuyến phố trên địa bàn các quận, huyện của thành phố. Từ đó miêu tả chi tiết thực trạng việc sử dụng vỉa hè, lòng đường vào các loại hình dịch vụ, như trông giữ xe, bãi đỗ xe, trạm dừng xe, nhà vệ sinh, trồng cây xanh…

Đề án cũng đã cung cấp các thông tin tham khảo hữu ích về việc sử dụng vỉa hè, lòng đường vào việc kinh doanh thương mại, dịch vụ của các thành phố lớn ở Canada, Mỹ, Pháp, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Cùng với đó là thông tin về thực trạng việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam) và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Theo đánh giá của các chuyên gia, những thông tin tham khảo, thực trạng này rất hữu ích cho việc đề xuất các giải pháp.

Về phạm vi đối tượng, đề án đề xuất: Các tuyến hè phố có đủ điều kiện sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm. Các tuyến đường có đủ điều kiện để sử dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Ý kiến phản biện từ phía Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho rằng, quy định về đối tượng của đề án chưa rõ cho nên khó có thể đề xuất các giải pháp phù hợp. Cần xác định đối tượng mà đề án hướng tới là người dân đang cư trú trên địa bàn Hà Nội và khách vãng lai. Những người sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông là ai, như ở Hội An, chính quyền thành phố chỉ cấp phép kinh doanh trên vỉa hè đường phố Khu vực 1 (phố cổ) cho người dân có hộ khẩu thường trú.

Đối với việc tổ chức trông giữ phương tiện giao thông đường bộ dưới lòng đường, phố, Đề án đề xuất hai tiêu chí "cần" và "đủ", ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho rằng nên bổ sung tiêu chí "thu vé điện tử" và trả theo tài khoản ngân hàng (miễn trả tiền mặt) để kiểm soát lượng xe và thu thuế thu nhập cho Nhà nước.

Phí và giá sử dụng tạm thời vỉa hè lòng đường là vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân, cơ quan tổ chức khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố và cũng liên quan đến quyền lợi của nhà nước, của thành phố. Qua khảo sát thực tế cho thấy nhân dân và các hộ ở cơ sở cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong khi đó đề án chưa quy định cụ thể, vì vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo đề án cần sớm bổ sung quy định cho hợp tình hợp lý bảo đảm hài hòa các lợi ích, không dẫn đến những tiêu cực.

Theo ông Lê Văn Hoạt, Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, việc sử dụng lòng đường, hè phố ở những nơi có điều kiện để kinh doanh dịch vụ được đặt ra từ lâu song cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện, còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Một số văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, văn bản hành chính có liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố được ban hành đã lâu, hiện không còn phù hợp. Liên quan đến vấn đề thu phí, ông Lê Văn Hoạt cho rằng, cơ quan soạn thảo đề án cần sớm bổ sung quy định cho hợp tình hợp lý, bảo đảm hài hòa các lợi ích, tránh tiêu cực.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị, cần có sự bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Cơ quan chức năng nên đề xuất cơ chế để phối hợp các lực lượng khi triển khai thực hiện Đề án cũng như có chế tài xử lý nếu chủ thể được thuê nhưng sử dụng vỉa hè, lòng đường sai vị trí.

MINH THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-lam-ro-doi-tuong-cua-de-an-khai-thac-long-duong-he-pho-post861488.html