Cần làm rõ hành vi vụ lợi của ông Nguyễn Thanh Long khi can thiệp, hỗ trợ Việt Á

Luật sư cho rằng, quá trình điều tra cần làm rõ hành vi vụ lợi của ông Nguyễn Thanh Long khi can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương với bộ kit xét nghiệm, ban hành các thông báo giá các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán Covid-19 trái quy định.

Mở rộng điều tra sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) và ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356, Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Vậy với các tội nêu trên, khi bị truy tố, xét xử, các bị can sẽ đối mặt với án phạt nào?

Luật sư cho biết, theo quy định tại các điều khoản thuộc tội danh bị khởi tố, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 15 và 20 năm tù.

Ông Chu Ngọc Anh.

Ông Chu Ngọc Anh.

Trao đổi với Tiền Phong, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết, đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nếu bị truy tố, xét xử theo Khoản 3 Điều 356, ông Nguyễn Thanh Long phải đối mặt khung phạt cao nhất 15 năm tù giam.

Còn ông Chu Ngọc Anh đối mặt với khung phạt tối đa 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Mức phạt này cũng được quy định tại Khoản 3 Điều 219.

Theo luật sư Cường, hành vi của ông Nguyễn Thanh Long thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ. Ông lại là Bộ trưởng Bộ Y tế, người đứng đầu ngành Y có trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, giữ vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19; ở thời điểm dịch bệnh phức tạp, cả xã hội hoang mang, lo lắng và trông chờ rất nhiều vào lực lượng phòng chống dịch nhưng bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác để làm trái công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Do đó, phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc.

Đối với hai bị can Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã phạm vào nhóm tội danh mà chủ thể là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (người đứng đầu đơn vị) thực hiện bằng lỗi cố ý. Bị khởi tố theo quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra xác định ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã gây thất thoát, lãng phí số tiền trên 1 tỷ đồng.

Với tình tiết định khung này, ngoài mức phạt tù 20 năm, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ông Nguyễn Thanh Long.

Ông Nguyễn Thanh Long.

Cần làm rõ hành vi vụ lợi

Trong khi đó, thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa) trích dẫn thông tin của bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, ông Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương với bộ kit xét nghiệm để việc ban hành các thông báo giá các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán Covid-19.

Hành vi của ông Long đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, luật sư Giáp có quan điểm cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ thêm hành vi vụ lợi với ông Nguyễn Thành Long.

Trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã nhận tiền, tài sản từ Công ty Việt Á, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc nhận tiền, tài sản này có sự thỏa thuận để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền hay không. Nếu nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì đây là hành vi “nhận hối lộ”, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 354 Bộ luật Hình sự, số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, hình phạt ở khung cao nhất là phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Vẫn theo luật sư, nếu trường hợp ông này nhận tiền, lợi ích vật chất từ phía Công ty Việt Á nhưng không có thỏa thuận thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì hành vi không cấu thành tội “nhận hối lộ” mà đây là hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cơ quan tố tụng sẽ làm rõ mức độ gây thiệt hại tài sản của bị can gây ra cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân để đánh giá trách nhiệm bồi thường.

“Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng mạnh các biện pháp ngăn chặn để phong tỏa, kê biên tài sản của các bị can để đảm bảo thi hành án về sau”, luật sư Giáp nêu quan điểm.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-lam-ro-hanh-vi-vu-loi-cua-ong-nguyen-thanh-long-khi-can-thiep-ho-tro-cho-viet-a-post1444644.tpo