Cần làm rõ nhiều vấn đề về 3 dự án cao tốc phía Nam trước khi trình Quốc hội
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện việc điều phối chung dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để đảm bảo tính thống nhất.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có ý kiến bằng văn bản về chủ trương đầu tư ba dự án đường bộ cao tốc phía Nam gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo đó, cơ quan này nhất trí với Chính phủ về chủ trương đầu tư các dự án nhưng cần làm rõ một số vấn đề.
Làm rõ nguồn tiền
Theo KTNN, ba dự án cao tốc có tổng mức đầu tư khoảng 84.463 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số nguồn tiền dự kiến phân bổ cho dự án chưa có đủ cơ sở xác định.
Chẳng hạn, Bộ GTVT cho biết sẽ sử dụng tiền từ cân đối chi phí dự phòng của 8 dự án, nhưng mới chỉ có 1 dự án hoàn thành. Tức là mới xác định được chi phí dự phòng không sử dụng của 1/8 dự án… Hay vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển KT-XH, đến nay nay vẫn chưa đủ cơ sở để xác định nguồn vốn, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến về danh mục phân bổ vốn từ chương trình…
Đối với nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, KTNN cũng cho rằng chưa được xác định rõ ràng do Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. “Vì vậy, để đảm bảo đầy đủ điều kiện trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ cần rà soát lại các phương án bố trí vốn, xác định cơ sở cân đối các nguồn vốn cho dự án…”- KTNN đề nghị.
Về tổng mức đầu tư dự án, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư. Trong đó phải lưu ý đến biến động của các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu…
Đối với tiến độ dự án, KTNN nhận định việc đặt ra tiến độ dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cơ bản hoàn thành vào 2026 là khó khả thi nếu không có các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Nguyên nhân, ba dự án có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án thường cần khoảng 3 năm, thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2 - 3 năm. Đồng thời, các dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn nên thời gian thực hiện dự án khó có thể rút ngắn.
Chính phủ cần lưu ý khi giao địa phương làm cao tốc
Về phương án phân chia dự án thành phần và giao cho địa phương xây dựng, KTNN cho rằng Chính phủ chưa đánh giá năng lực của các địa phương tham gia thực hiện dự án, chưa phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ GTVT với các cơ quan liên quan, các địa phương tại từng bước thực hiện dự án.
Theo đó, KTNN dự báo việc Chính phủ giao cho các địa phương sẽ có những vướng mắc nhất định. Cụ thể, không đảm bảo tính đồng bộ khi mỗi địa phương sẽ triển khai một cách khác nhau, công tác chỉ đạo điều hành thực hiện dự án sẽ phân tán, không tập trung. Đặc biệt, dự án khó khăn trong phân đoạn, thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Năng lực quản lý dự án của các địa phương được giao nhiệm vụ còn hạn chế.
Cạnh đó, theo khoản 3 điều 48 Luật Giao thông đường bộ, giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ hệ thống quốc lộ. Như vậy, việc giao cho các tỉnh, thành có dự án đi qua thực hiện quản lý, bảo trì các dự án thành phần sẽ vướng mắc, khi chưa làm rõ được trách nhiệm và việc sử dụng nguồn kinh phí quản lý, bảo trì các dự án thành phần.
Để dự án đảm bảo tiến độ, KTNN đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện việc điều phối chung các dự án thành phần để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện dự án. Bộ GTVT cũng phải trực tiếp thực hiện dự án thành phần có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, công nghệ và đi qua hai địa phương.
Trường hợp, Chính phủ giao cho địa phương tổ chức thực hiện dự án thì cần phải xem xét kỹ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình của địa phương. Địa phương có cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án đảm bảo chất lượng theo đúng tiến độ dự án và chỉ giao dự án thành phần nằm trong địa giới hành chính của địa phương đó.
Ngoài ra, KTNN cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan và các địa phương có dự án đi qua khi khảo sát thiết kế cần điều tra, xác định chất lượng, trữ lượng, điều kiện khai thác của các mỏ vật liệu. Việc này phải đánh giá đầy đủ, chặt chẽ, tính đến việc đáp ứng nhu cầu xây dựng không chỉ cho các dự án mà cho tổng nhu cầu trong thời gian thực hiện dự án, tránh những bất cập như trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vừa qua.
Bộ GTVT cần có đề xuất về cơ chế khai thác vật liệu xây dựng thông thường cho dự án. Song song đó, các địa phương cần có cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp vật liệu cho dự án đúng tiến độ.
“Đặc biệt các cấp chính quyền địa phương phải có các giải pháp chỉ đạo, điều hành và có các cam kết gắn trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ của dự án theo đúng thời gian phê duyệt…”- KTNN nêu ý kiến.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 31-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư ba dự án đường bộ cao tốc phía Nam gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Sau đó, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến trước khi bấm nút thông qua.