Cần lắm tình thương và sự thấu cảm

Ngoài câu chuyện làm ăn, kinh doanh và yếu tố lợi nhuận thì trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng và đặc biệt là sự thấu cảm và sẻ chia đối với những mảnh đời còn nhiều khốn khó, những người lỡ đường cũng là điều vô cùng quan trọng.

Mới đây, báo chí đăng tải câu chuyện 3 bà cháu đi thăm người thân ở TP Đà Nẵng, trên đường đón xe khách trở về Vũng Tàu, do không có đủ tiền trả tiền xe đã bị nhà xe "bỏ rơi". May mắn là lực lượng CSGT tỉnh Quảng Ngãi đã giúp đỡ, hỗ trợ tiền để họ về quê nhà.

Câu chuyện trên làm tôi nhớ đến một lần, tôi đi trên chuyến xe khách từ TP HCM về thăm quê ở Quảng Ngãi, có một người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ dẫn theo con nhỏ chừng 6 tuổi về quê nhà ở tỉnh Ninh Thuận.

Khi phụ xe thu tiền vé, chị mở túi xách đã sờn da lục tìm. Gom tất cả mớ tiền lẻ vẫn không đủ trả tiền vé xe, chị ngập ngừng kể là tiền vay mượn để vào TP HCM tái khám cho con chỉ vừa đủ khám bệnh và mua thuốc, trong túi hiện chỉ còn một ít tiền lẻ…

Trước tình cảnh của hai mẹ con chị, phụ xe đã nói chị cất tiền vào túi, nhà xe sẽ không thu tiền. Không chỉ chị vui mừng mà hàng chục hành khách ngồi trên xe lúc đó đều cảm thấy vui và cảm động trước cách hành xử đầy tình người của anh phụ xe còn khá trẻ. Nhiều hành khách đi trên chuyến xe hôm ấy cũng đã sẻ chia ít tiền, "tiếp sức" thêm cho chị trên chuyến xe trở về quê nhà.

Lần khác, trên một chuyến tàu SE từ Quảng Ngãi vào lại TP HCM, tại khoang ghế ngồi cứng, một phụ nữ lớn tuổi, ốm yếu ngồi ở hàng ghế sau lưng tôi vào TP HCM để khám chữa bệnh. Tàu chuyển bánh, nam tiếp viên đi kiểm soát vé lên tàu, người phụ nữ thật tình cho biết không đủ tiền mua vé nên đành "làm liều".

Tôi vẫn còn nhớ lời của anh tiếp viên phụ trách toa tàu lúc đó: "Tàu đã chuyển bánh, về nguyên tắc con sẽ mời cô xuống ga gần nhất do đã hết ghế ngồi cứng và cô không có vé đi tàu. Nhưng thông cảm với hoàn cảnh của cô, con sẽ không thu tiền vé, cô ngồi tạm ghế phụ để vào TP HCM".

Hành khách trên toa tàu đều thở phào nhẹ nhõm, vui vì lối hành xử của anh tiếp viên và không ai bảo ai, cùng gom góp chia sẻ để người phụ nữ có chút "lộ phí" vào TP HCM khám chữa bệnh...

Những câu chuyện trên không chỉ là cách hành xử xuất phát từ lương tâm, tình thương, tình người đối với người có hoàn cảnh khốn khó mà còn là cách ứng xử văn hóa, văn minh giữa người và người, phù hợp với truyền thống tốt đẹp, nhân ái của dân tộc ta.

Tôi chợt nghĩ đối với nhà xe chuyên kinh doanh vận tải hành khách hay hãng tàu, yếu tố lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu.

Thế nhưng ngoài câu chuyện làm ăn, kinh doanh và yếu tố lợi nhuận thì trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng và đặc biệt là sự thấu cảm và sẻ chia đối với những mảnh đời còn nhiều khốn khó, những người "lỡ đường" cũng là điều vô cùng quan trọng.

Bớt đi một chút lợi nhuận để đổi lại chút ấm áp của tình người, sự sẻ chia đầy nhân ái thì nhà xe sẽ phát triển mạnh hơn, tạo nên thương hiệu uy tín hơn. Đó cũng là yếu tố để thành công và phát triển bền vững.

Nguyễn Đước

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/can-lam-tinh-thuong-va-su-thau-cam-20230130205600706.htm