Cần linh hoạt thoái vốn, cổ phần hóa
Càng đến cuối năm 2020, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước càng có thêm động lực để thúc đẩy nhanh hơn.
Trong 9 tháng đầu 2020, mới thực hiện cổ phần hóa được 7 doanh nghiệp. Còn 91 doanh nghiệp trong danh sách phải triển khai trong năm nay vẫn chưa biết nơi đâu.
Chỉ còn chưa tới 2 tháng nữa là năm 2020 đầy khó khăn khép lại. Tuy đây là 1 năm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam, song với hoạt động đầu tư cổ phần, cổ phiếu, đây lại là một năm “vang dội” của các chỉ số, bao gồm các chỉ số lớn bên kia bán cầu lẫn 3 chỉ số của thị trường chứng khoán Việt Nam. Và rõ ràng sự chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, không thể đổ lỗi cho phía thị trường.
Có chuyên gia cho rằng cũng cần có sự “thông cảm” với nhiều doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh khó khăn cản trở kế hoạch cổ phần hóa và định giá cổ phần theo giá thị trường để đấu giá. Nếu doanh nghiệp vẫn triển khai, rất dễ bán vốn Nhà nước giá rẻ, gây thất thoát vốn Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là, đã có rất nhiều lĩnh vực được “linh động” chính sách thời không bình thường, vì đâu các DNNN không mạnh dạn đề xuất một chính sách linh động có lợi cho doanh nghiệp và nhiều phía?
Theo tính toán của Yuanta Việt Nam, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước hỗ trợ cho các DNNN hậu cổ phần “ăn nên làm ra” tốt hơn với chỉ số ROE trung bình 3 năm sau thoái vốn đạt 15,4%, trong khi trước khi thoái vốn là 12,4%. Tương tự, ROA trung bình trước thoái vốn đạt 1,5% trong khi sau thoái vốn nâng lên mức 1,6%.
Vậy nên chăng cần có chính sách ưu tiên IPO, thoái vốn “sỉ” cho các đối tác sẵn sàng trả giá tốt và đồng hành dài lâu, đồng thời cho doanh nghiệp được phép chậm lại thời gian niêm yết lên sàn để tìm thời điểm phù hợp? Đây sẽ là sự linh hoạt cần thiết vừa giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa theo lộ trình, vừa giúp giảm áp lực tăng vốn hỗ trợ bằng ngân sách như nhiều trường hợp đang thực thi.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/can-linh-hoat-thoai-von-co-phan-hoa-585002.html