Cần lộ trình thu hồi xe máy cũ nát

Nhiều chuyên gia cho rằng muốn thu hồi xe cũ nát cần xây dựng khung pháp lý vững chắc và cần có lộ trình thực hiện.

Bộ TN&MT vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Riêng đối với Hà Nội, TP.HCM, bộ yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Bên cạnh đó là việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ý kiến đồng tình với việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường là giải pháp rất cần thiết hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng muốn thu hồi xe cũ nát cần xây dựng khung pháp lý vững chắc và cần có lộ trình thực hiện. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các chuyên gia cho rằng muốn thu hồi xe cũ nát cần xây dựng khung pháp lý vững chắc và cần có lộ trình thực hiện. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết để thực hiện đề án cần có lộ trình và đầu tiên là cần có cơ sở pháp lý vững chắc. Trước đây, Thủ tướng đã cho phép Hà Nội và TP.HCM thí điểm đề án kiểm soát khí thải xe máy và Sở GTVT TP đã xây dựng đề án. Tuy nhiên, đề án này đang tạm dừng để chờ hướng dẫn từ Bộ GTVT mới triển khai chi tiết cụ thể.

Theo ông An, hiện nay đa số những người sử dụng những loại phương tiện này đều là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, cần tính toán việc thu hồi ra sao để cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng.

ThS Phan Thỵ Tường Vi, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Văn Lang, cho rằng vấn đề thu hồi xe máy cũ nát cần được xem xét dưới góc độ pháp luật dân sự. Bởi xe máy dù là cũ nát cũng là tài sản hợp pháp của người lưu thông, nếu đây không phải là phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì không có bất kỳ chủ thể nào tịch thu phương tiện đó. Còn nếu là thu hồi thì phải dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu tài sản với bên thu hồi. Việc tịch thu là một biện pháp mang tính cưỡng chế của Nhà nước trong khi thu hồi mang tính tự nguyện, khuyến khích.

“Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về việc bắt buộc các loại xe phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải do Nhà nước ban hành. Ngoài ra, Nhà nước phải xây dựng cơ chế, chính sách thu hồi xe máy khi không còn đạt chuẩn bằng việc hỗ trợ cho chủ phương tiện về cơ chế tài chính. Từng bước đi đến việc cưỡng chế thi hành, không cho phép lưu thông loại xe không đạt yêu cầu, thậm chí tịch thu phương tiện” - ThS Tường Vi chia sẻ.

Giải pháp xử lý sau khi thu hồi

Ông Trương Trung Trực (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: Việc thu hồi xe cũ, quá đát là rất cần thiết. Bởi việc thu hồi này ngoài việc giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường còn hạn chế được tai nạn giao thông do những loại xe này hầu như không kèn, không đèn, thậm chí không có thắng. Ông Trực đề nghị trước tiên cần đưa ra tiêu chuẩn xe như thế nào thì bị thu hồi. “Nếu ô tô có kiểm tra định kỳ thì xe máy cũng nên có quy định kiểm tra, như thế mới giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí” - ông Trực nói.

GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành là chủ trương đúng đắn, nhiều nước đã thực hiện. Để chủ trương đi vào thực tế, có hiệu quả, trước tiên cần có số liệu khảo sát, đánh giá, tính toán số lượng, loại xe.

Ngoài ra, theo ông Hải, sau khi thu hồi cũng cần có giải pháp xử lý đối với những loại xe này. “Hiện nay chúng ta chưa phát triển được công nghiệp tái chế, đặc biệt là tái chế kim loại mà những loại xe này chủ yếu là kim loại. Vì vậy, cần tính toán thêm giải pháp tiêu hủy xe ra sao. Tôi nghĩ có nhiều doanh nghiệp cơ khí có thể làm được việc này nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước” - ông Hải chia sẻ.

Đồng tình với ông Hải, ThS Phan Thỵ Tường Vi cho rằng việc xử lý xe sau khi thu hồi là phần hậu kỳ nan giải. Ngoài việc phải tính toán để có kho bãi chứa thì cũng cần tính đến việc ai, đơn vị nào sẽ xử lý những loại xe này. Bên cạnh đó cũng cần phải tính đến nguồn tài chính để xử lý.

Đối với mô tô, xe máy, hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng với các loại xe này. Tuy nhiên, Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

Do đó, để triển khai công tác thu hồi xe máy cũ nát, các ngành chức năng sẽ thực hiện việc kiểm tra, đo đạc các quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để xác định xe thuộc đối tượng thu hồi.

Như thế nào là xe cũ?

Theo PGS-TS Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và giao thông, Trường ĐH GTVT TP.HCM, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu môi trường và giao thông của nhà trường đã có nghiên cứu, đánh giá tác động tiêu cực của việc sử dụng xe máy cũ tại TP.HCM.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết những người tham gia khảo sát ý thức được việc sử dụng xe máy hư, cũ sẽ gây hậu quả xấu đối với môi trường. Hầu hết những người tham gia khảo sát đồng ý rằng nên căn cứ vào thời gian sử dụng và số kilomet đoạn đường đi được để xác định xe máy cũ, xe máy được sử dụng trên 10 hoặc 15 năm hay đã chạy được trên 100.000 km được xem là xe máy cũ.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/can-lo-trinh-thu-hoi-xe-may-cu-nat-960117.html