Cần loại bỏ phim ảnh xuyên tạc lịch sử Việt Nam
Ngày 26-12-2024 vừa qua, nền tảng xem phim Netflix đã công chiếu bộ phim 'Trò chơi con mực phần 2' và lập tức gây ra phản ứng trái chiều, không chỉ vì nội dung mà còn vì lời thoại liên quan tới chiến tranh Việt Nam với góc nhìn sai lệch.
3 năm sau cơn sốt toàn cầu, mùa 2 của bộ phim “Trò chơi con mực” (tên tiếng Anh: Squid game 2) đã chính thức được Netflix trình làng vào hôm 26-12. Phần mới vừa lên sóng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả toàn cầu, trong đó có nhiều "mọt phim" Việt. Tuy nhiên, một chi tiết trong tập 5 của bộ phim đã khiến nhiều khán giả Việt quay lưng lại với loạt phim đình đám của đạo diễn - biên kịch Hwang Dong Hyuk.
Cụ thể, trong khoảng phút thứ 23 của tập 5 Trò chơi con mực mùa 2, có cảnh 5 thành viên của đội nam chính Seong Gi Hun (Lee Jung Jae thủ vai) cùng ngồi lại ăn mừng chiến thắng ở thử thách gần nhất và chia sẻ những điều chưa biết về nhau. Trong cuộc trò chuyện của cả nhóm, người chơi số 388 Kang Dae Ho (Kang Ha Neul thủ vai) giới thiệu mình sống trong gia đình 2 đời độc đinh, từng được cha cho đi làm lính thủy để "ra dáng đàn ông hơn".
Quá trình chia sẻ, người chơi số 390 Park Jung Bae (Lee Seo Hwan đóng) là người trò chuyện nhiều nhất với người chơi số 388, khi nghe số 388 tiết lộ bố mình từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, người chơi số 390 đáp lời: "Bố cậu có vẻ tuyệt vời" và được đàn em đồng tình.
Thêm vào đó, tên cựu chiến kia còn tên “Đại hổ” theo lời giải thích của nhân vật trong phim. Những chi tiết này lập tức gây phẫn nộ trong cộng đồng người xem phim tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ 1964-1973, hàng trăm ngàn quân nhân Hàn Quốc với tư cách là đồng minh của Mỹ đã được gửi tới Việt Nam tham chiến.
Chi tiết này chỉ xuất hiện vài giây nhưng cũng đủ lọt vào mắt nhiều khán giả Việt và lập tức được chia sẻ trên mạng xã hội. Đông đảo người bình luận bày tỏ sự phẫn nộ và tuyên bố tẩy chay bộ phim vì phân cảnh trên. Đa số người xem chỉ trích cách đội ngũ sản xuất nhắc đến chiến tranh Việt Nam theo hướng sai lệch không thể chấp nhận được.
Nhiều người nhận xét chi tiết này không cần thiết để đưa vào phim, nếu không có lời thoại này, việc xây dựng hoàn cảnh, chân dung nhân vật phụ hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Từ đó, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về ý đồ thực sự của biên kịch, đạo diễn đối với lời thoại nhạy cảm kể trên.
Bên cạnh đó, nhiều người dùng mạng tại Việt Nam sau khi biết đến phân cảnh này cũng khẳng định sẽ bỏ luôn ý định coi phim. Thậm chí không ít người cho rằng phim cần bị gỡ khỏi thị trường Việt Nam.
Phía Cục Điện ảnh cho biết đã tiếp nhận thông tin này và đang xác minh tình hình. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Đỗ Quốc Việt cho biết: “Chúng tôi sẽ có phản hồi và kết luận chính thức sau khi xem xét. Nếu phim “Trò chơi con mực 2” vi phạm luật Điện ảnh, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Trên một vài hội nhóm về phim, nhiều ý kiến bức xúc liên quan đến chủ đề này được cộng đồng mạng tiên phong tẩy chay. Cộng đồng những người yêu thích phim khẳng định, cần mạnh tay xử lý những bộ phim vi phạm, và kêu gọi khán giả nên xem phim một cách chọn lọc. Phần lớn người xem cũng cho rằng, dù chỉ là những chi tiết nhỏ trong phim nhưng vẫn đáng chú trọng để bảo vệ những giá trị lịch sử của dân tộc.
Tăng cường quản chặt nội dung
Trước đó năm 2022, Netflix cũng đã phải gỡ phim “Ba chị em -Little Women” khỏi kho phim tại Việt Nam do đưa các thông tin ca ngợi chiến sĩ Hàn Quốc là người hùng khi tham chiến tại Việt Nam. Ngoài ra phim cũng đưa nhiều chi tiết xuyên tạc vô căn cứ, đáng chú ý nhất là lời thoại "Cục tác chiến chỉ tuyển chọn những người lính dũng cảm và nhanh nhẹn nhất. Tỷ lệ giết so với tử vong là 20:1. Tức là một người lính Hàn Quốc giết 20 người Việt Cộng".
Theo văn bản của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), phim Ba chị em bị yêu cầu gỡ vì vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Khoản 4, Điều 9 Luật Báo chí về xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc và vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh quy định tại Khoản 4, Điều 11 Luật Điện ảnh với nội dung tương tự điều khoản nêu trên ở Luật Báo chí.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn internet băng rộng, thời gian gần đây, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước.
Đây không phải lần đầu tiên Netflix bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu gỡ phim do vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và bị người dùng Việt Nam phản ứng. Trước đó, các phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Put Your Head On My Shoulder”, “Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary” hay gần nhất là “Pine Gap” đều đã bị Cục yêu cầu gỡ bỏ do vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Với quy định hiện hành, các Bộ, ngành liên quan đang nỗ lực ngăn chặn các nội dung không phù hợp, giảm tối thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật sẵn sàng ngăn chặn khi doanh nghiệp không hợp tác.
Người dân Việt Nam với truyền thống yêu hòa bình và lòng nhân ái luôn sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, nhưng chắc chắn sẽ không quên những bài học lịch sử. Chiến tranh ở Việt Nam đã để lại nhiều vết sẹo trong tâm trí và cả những tổn thương về mặt vật chất cho nhiều thế hệ.
Tuy vậy chúng ta không tìm cách duy trì thù hận mà luôn hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, nơi các quốc gia chung sống hòa bình. Việt Nam đã và đang xây dựng mối quan hệ hợp tác với Hàn Quốc ở nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Những thành tựu này là minh chứng cho tinh thần hòa hữu và khát vọng vươn lên của dân tộc. Thế nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam sẽ im lặng trước những sự xuyên tạc lịch sử, những câu chuyện sai lệch như trong “Trò chơi con mực 2” hay “Ba chị em”.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/can-loai-bo-phim-anh-xuyen-tac-lich-su-viet-nam-post119792.html