Cần lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững
Ngày 3/12, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12 hằng năm) và quán triệt Chỉ chị số 39/CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác Người khuyết tật.
Tham dự lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam Caitlin Wiesen và trên 200 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến người khuyết tật. Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào năm 2014 đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc xóa bỏ những trở ngại, rào cản đối với người khuyết tật. Hệ thống chính sách, pháp luật trợ giúp người khuyết tật ở nước ta từng bước được sửa đổi, bổ sung, tạo thành điểm tựa cho người khuyết tật vươn lên.
"Thực tế đã ghi nhận nhiều người khuyết tật tỏa sáng trong đời sống xã hội bằng tâm hồn, trái tim, khối óc, nghị lực và sự cống hiến của bản thân họ", Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nói.
Chỉ rõ việc triển khai chính sách trợ giúp người khuyết tật vẫn còn có chỗ, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn; mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật chậm được điều chỉnh; việc huy động các nguồn lực xã hội để trợ giúp người khuyết tật chưa đáp ứng được nhu cầu…, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu: Để người khuyết tật phát huy tốt năng lực, sở trường, tích cực, chủ động vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập xã hội, các cơ quan hữu quan tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách trợ giúp người khuyết tật. Các hoạt động trợ giúp cần chuyển từ ý nghĩa nhân đạo sang nhân văn; tôn trọng các quyền của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật hòa nhập… Cùng với đó, các ngành, địa phương cần lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn…
Theo Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam Caitlin Wiesen, để thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, người khuyết tật và trẻ em khuyết tật cần được xem như những tác nhân quan trọng tạo sự thay đổi. Sự tham gia và vai trò lãnh đạo của họ sẽ giúp xóa bỏ định kiến và góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn. Khi sự không phân biệt đối xử được đặt ở trung tâm, cộng đồng cũng như các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ sẽ thay đổi cách nhìn về người khuyết tật và các vấn đề của người khuyết tật.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới với hơn 80% sinh sống ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, theo tổng điều tra quốc gia về người khuyết tật do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào tháng 1/2019, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,09% dân số. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ khoảng 1/3 trẻ em khuyết tật tham gia bậc học trung học cơ sở và 2% người khuyết tật nhận được hỗ trợ tại các trung tâm y tế. Bên cạnh đó, kỳ thị với người khuyết tật tồn tại dưới nhiều hình thức, ở cả nơi công cộng và nơi làm việc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tham gia phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) từ năm 2014 và đạt được một số thành tựu nhất định trong việc trao quyền cho người khuyết tật.
Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong đó có UNDP và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao sự tham gia và vai trò lãnh đạo của người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau. Từ năm 2015, UNDP, UNICEF phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện một loạt nghiên cứu rà soát hệ thống luật pháp Việt Nam về người khuyết tật nhằm hỗ trợ quá trình sửa đổi Luật Người khuyết tật để phù hợp với Công ước CRPD. Đồng thời, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cũng hợp tác với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong các hoạt động hỗ trợ nạn nhân khuyết tật do tai nạn bom mìn; hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc tạo cơ hội và duy trì môi trường làm việc an toàn, thân thiện cho người khuyết tật.
Từ năm 1992, ngày 3/12 hằng năm được chọn là Ngày Quốc tế Người khuyết tật và được tổ chức kỷ niệm trên toàn thế giới. Với những chủ đề khác nhau theo từng năm, Ngày Quốc tế Người khuyết tật ra đời nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua đó, huy động các hình thức hỗ trợ xã hội nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế.
Đây là lần đầu tiên Ngày Quốc tế Người khuyết tật được kỷ niệm chính thức tại Việt Nam. Chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là “Thúc đẩy sự tham gia và vai trò lãnh đạo của người khuyết tật vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Chủ đề này tập trung vào việc trao quyền cho người khuyết tật, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, công bằng, bền vững với cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chủ đề này cũng phản ánh và nhấn mạnh Chiến lược bao gồm Người khuyết tật của Liên hợp quốc (UNDIS) do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra vào tháng 6/2019 với mục đích chuyển hóa cách thức làm việc với người khuyết tật và về các vấn đề của người khuyết tật, đưa người khuyết tật vào hệ thống vận hành của Liên hợp quốc.