Cần luật có 'hồn'!
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Tính đến nay Quốc hội Việt Nam đã được thành lập 76 năm (1946-2022). Trong chiều dài thời gian đó, Quốc hội đã trải qua biết bao kỳ họp chính thức và các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bằng mà nói Quốc hội Việt Nam từ khi được thành lập cho đến nay là một chặng đường dài đầy khó khăn và thách thức nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hiến pháp quy định và đã trở thành cơ quan quyền lực nhất Việt Nam.
Sáng nay, ngày 20-10-2022 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã được khai mạc. Kỳ họp cuối năm bao giờ cũng có khối lượng công việc rất lớn. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Quốc hội là nơi soạn thảo ra luật, pháp lệnh,… quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô, định hướng từ an ninh - quốc phòng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… cho quốc gia. Từ những luật được thông qua là điều tiên quyết để các cơ quan hành pháp và cộng đồng xã hội chiếu theo, thi hành và thụ hưởng.
Từ đó, chúng ta nhận thấy luật, xây dựng luật pháp vô cùng quan trọng, không chỉ riêng với Việt Nam mà cho tất cả các thể chế, cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ góc độ khách quan, chúng ta khẳng định rằng luật pháp Việt Nam đã dần theo kịp với luật pháp các nước phát triển để ngày càng hội nhập sâu rộng phổ cập toàn cầu, phù hợp trong sân chơi của thế giới hiện đại. Vấn đề này đã được đề cập trên nhiều kênh nên tác giả bài viết không bàn thêm.
Theo góc nhìn chủ quan về những yếu kém, những tồn tại của luật Việt Nam có thể lấy mốc từ năm 2000 trở lại đây, chúng ta đang vướng vào rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, tháo gỡ triệt để bởi tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ gây hiểm họa khôn lường cho người thực thi pháp luật và cộng đồng thụ hưởng pháp luật.
Luật cần phải có “hồn” cốt của nó. Nếu luật vô “hồn” sẽ gây cản trở cho nền tư pháp, gây nguy hại cho phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, tình hình mới của thế giới, không loại trừ Việt Nam. Khi ban hành luật và giao quyền cho địa phương tự quyết theo thẩm quyền đang là vấn đề cần làm rõ. Chính quyền địa phương trực thuộc Trung ương có HĐND như Quốc hội thu nhỏ, mọi việc đều có thể đưa ra bàn và nếu được thông qua thì chính quyền địa phương được phép ra quyết định trong phạm vi được Chính phủ ủy quyền hoặc cho phép. Nhưng các cấp chính quyền địa phương luôn trong tình thế lo ngại khi cấp trên xem xét, hồi tố và không chấp nhận các quyết định của địa phương… thế là cánh cửa vòng lao lý mở ra, dự án khép lại và mọi thứ đảo lộn hết thảy.
Nguyên nhân và giải pháp chúng ta đều có nhưng tại sao không thay đổi bởi nhiều lý do. Chúng ta phải hiểu rằng Quốc hội là cơ quan xây dựng luật pháp, là nơi hội tụ những thành viên hiểu biết về luật, học về luật, không chỉ luật trong nước mà còn luật quốc tế, là những người không bị ràng buộc bởi các lợi ích của các bộ, ngành trong cơ quan hành pháp. Từ đó họ mới chuyên sâu, chuyên tâm xây dựng luật có “hồn” để các cơ quan hành pháp và cộng đồng xã hội thực thi. Luật được ban hành sẽ đúng, trúng và chuẩn, trong luật luôn có dung sai cho phép bởi luật do con người làm ra và luật là “hồn” cốt của người dân. Lúc ấy luật mới mang hơi thở của cuộc sống, mới có giá trị lâu bền, có thể nhiều năm sau không cần thiết phải thay đổi, điều chỉnh và bổ sung.
Hiện nay luật được Quốc hội thông qua là do các bộ, ngành chủ quản xây dựng, từ bộ, ngành ấy sẽ không tránh khỏi cách xây dựng luật có lợi cho họ quản lý và cũng không tránh khỏi hiện tượng các đơn vị xây dựng luật sẽ “chạy” (lobby) để luật do họ xây dựng dễ dàng được thông qua, chấp thuận. Mặc nhiên các luật này sẽ vô “hồn”, sẽ không có sức sống và sẽ chết yểu ngay sau khi được Quốc hội ban hành.
Đành rằng tiêu chí và định hướng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội… là chúng ta xây dựng một đất nước đại đoàn kết, xây dựng các thành phần trong xã hội đều có tiếng nói của mình. Nhưng xây dựng luật pháp thì không thể, bởi luật cần thiết cho cuộc sống và để nuôi dưỡng cuộc sống, để phát triển con người và đất nước. Luật là thiết chế để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ kỷ cương, phép nước.
Mọi người sống trong đất nước này, bất kể họ là ai, công chức hay dân thường đều phải thượng tôn pháp luật. Khi luật có “hồn” thì mặc nhiên không cần phải rao giảng hoặc tuyên truyền về luật thì người dân và mọi thành phần trong xã hội cũng hiểu và tự răn mình không muốn và không dám vi phạm pháp luật. Khi luật vô “hồn” sẽ gây hiểm họa vô cùng cho mọi thành phần trong xã hội và cũng chính từ đó mà dẫn đến người vi phạm pháp luật ngày càng nhiều, trong đó người hiểu luật và nắm quyền điều phối luật vi phạm nhiều hơn.
Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/dien-dan/can-luat-co-hon-17760