Cần mạnh tay với các nơi dung túng tin giả
Cùng với các đột phá trong công nghệ, nhất là các công nghệ có sử dụng trí tuệ nhân tạo, các loại tin giả, ảnh giả lan tràn trên các mạng xã hội. Kẻ xấu tận dụng các công cụ mới này để ra sức lừa đảo bằng nhiều hình thức, kể cả làm các video cực ngắn, giả danh người thân sau khi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của họ để vay mượn tiền.
Chúng ta đã có nhiều biện pháp để đối phó với vấn nạn tin giả; các báo làm chuyên mục giả – thật; các ngân hàng liên tục phát thông báo giúp người dân tránh bị lừa đảo, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho ra đời trang web chuyên cảnh báo tin giả…
Tuy nhiên đối với các mạng xã hội, cụ thể như Facebook, YouTube, TikTok… là nền tảng sinh sôi nảy nở tin giả, chúng ta chưa có những biện pháp chế tài mạnh mẽ.
Với những thuật toán tinh vi, những công cụ AI mạnh cùng đội ngũ rà soát thủ công, chắn hẳn các nền tảng như Facebook có thể biết ngay đâu là tin giả, đâu là các tài khoản được dựng lên để lừa đảo nhưng không biết vì sao các loại tin giả vẫn hoành hành trên Facebook. Chẳng hạn gần đây trong dòng tin của người dùng liên tục xuất hiện các hình ảnh rõ ràng do AI tạo ra, giả làm người nổi tiếng như diễn viên điện ảnh để mời chào theo dõi. Chúng có thể là tài khoản trả tiền quảng cáo để được xuất hiện nên Facebook phải chịu trách nhiệm về độ chính xác. Giả sử sau này xuất hiện các tài khoản giả mạo người thân một cách tinh vi để lừa đảo thì sao?
Nội dung có quảng cáo là kết quả của tìm kiếm trên Google cũng đầy tin giả, thông tin lừa đảo như thế như tìm số điện thoại của hãng taxi ra loại taxi dù, tìm hàng chính hãng ra hàng giả… Cần làm như EU, phạt thật nặng các sai phạm của các mạng xã hội mà chúng ta xác định được, sao cho họ phải cân nhắc giữa chi phí và lợi ích để rà soát kỹ hơn tin giả.
Một điểm nữa có thể góp phần vào việc chống tin giả trên mạng xã hội. Hiện nay nhiều cơ quan nhà nước có phản hồi nhanh chóng đối với các sự vụ loan tải trên mạng xã hội. Đây là một phản ứng tốt, chứng tỏ sự nhanh nhạy, biết lắng nghe dư luận ngoài xã hội để có biện pháp kịp thời. Tuy nhiên như mọi người đã biết, thông tin trên mạng xã hội do thiếu sự kiểm chứng, không có nguồn rõ ràng, không có một bên có thẩm quyền chịu trách nhiệm nên đã từng xảy ra nhiều tình huống “sáng đúng, chiều sai, ngày mai nói lại”. Bộ máy điều hành nhà nước không thể chạy theo các luồng dư luận chưa chính xác như thế được.
Cần dựa vào lực lượng báo chí chính thức với bộ máy kiểm chứng thông tin để có nguồn tin chính xác. Các báo hiện nay cũng rất nhanh nhạy; nếu vấn đề mạng xã hội nêu thật sự có tầm quan trọng, các báo sẽ sớm vào cuộc để đưa thông tin chính thức.
Hiện nay một số nước như Úc, Canada đã ban hành luật buộc Google, Facebook phải trả tiền cho báo chí khi dẫn tin tức của họ. Người dùng Facebook thường chia sẻ tin của báo, kèm theo vài dòng bình luận; còn trên Google, trong kết quả tìm kiếm của người dùng cũng thường có tít báo, đoạn mở tin và đường dẫn. Đây là những yếu tố giúp Facebook hay Google thu hút quảng cáo, đẩy khó khăn về cho báo chí. Có lẽ chúng ta chưa cần làm như thế; thay vào đó, cần kêu gọi Google, Facebook, TikTok thật sự hợp tác để chống tin giả, chống gian lận thương mại, bắt đầu bằng việc rà soát các luồng tin giả tồn tại trên nền tảng của họ.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-manh-tay-voi-cac-noi-dung-tung-tin-gia/