Cần mạnh tay với những tài xế phớt lờ xe ưu tiên
Không phải tự nhiên mà xe cứu thương, cứu hỏa,... được ưu tiên khi tham gia giao thông, bởi mỗi phút giây chậm trễ có thể ảnh hưởng lớn đến tính mạng và tài sản của người dân.
Xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe quân sự, công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe hộ đê,... là các phương tiện được pháp luật ưu tiên đi trước trong hầu hết các trường hợp khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Quy định là vậy nhưng trên thực tế, không hiếm trường hợp các phương tiện không chịu nhường đường, thậm chí có hành vi cản trở xe ưu tiên gây bức xúc dư luận.
"Phớt lờ" còi hiệu
Ngày 17/5 vừa qua, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài hơn 4 phút ghi lại hình ảnh xe ô tô tải BKS Tuyên Quang có hành vi không nhường đường, thậm chí nhiều lần chèn ép, phanh gấp khiến xe cấp cứu không thể vượt được.
Chiếc xe cứu thương là của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chở người đi cấp cứu đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 2 hướng Phú Thọ - Tuyên Quang (đoạn qua xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang). Sau khi đoạn video được chia sẻ đã nhận được hàng ngàn bình luận thể hiện sự bức xúc đối với tài xế xe tải nói trên.
Ngay trong ngày, lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nói trên. Qua xác minh, chiếc xe ô tô biển số 22C-006.58 trong clip được đăng ký tên chủ sở hữu có địa chỉ ở xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và đã bán cho một người ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ từ năm 2016.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 21h ngày 17/5, CSGT đã xác định được người điều khiển xe ô tô biển số 22C-006.58 trong video clip được đăng tải trên mạng xã hội là Vi Mạnh H., sinh năm 1992, trú tại Khu 1, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Tại cơ quan Công an, H. đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình.
Với hành vi "không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ", Phòng CSGT - Công an tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành lập biên bản đối với lái xe Vi Mạnh H; phạt tiền 4 triệu đồng, đồng thời tước GPLX 2 tháng theo Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện (chủ yếu là ô tô) có hành vi cản trở, không nhường đường cho xe ưu tiên cũng lực lượng CSGT toàn quốc ghi nhận, xác minh và xử phạt.
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, khi nhận được thông tin, dữ liệu hình ảnh, video do cá nhân, tổ chức và các đơn vị khác cung cấp về hành vi cản trở, không nhường đường cho xe ưu tiên thì sẽ tổ chức xác minh xác định, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành thông báo, xử phạt theo quy định.
Cần giải pháp mạnh tay
Trong hệ thống luật pháp của Việt Nam, có lẽ Luật Giao thông đường bộ là một trong những văn bản được tuyên truyền sâu rộng, có độ phổ cập cao và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người nhất. Quy định nhường đường cho xe ưu tiên có trong tất cả các giáo trình và người lái xe phải thuộc nằm lòng trước khi được cấp giấy phép. Thế nhưng, lái xe có chấp hành và tuân thủ hay không lại là chuyện khác.
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Phó Giám đốc công ty Luật Myway cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến việc "thờ ơ" với xe ưu tiên của một số bộ phận người dân.
"Đầu tiên là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông quá thấp, chưa nhận thức được việc không nhường đường cho xe ưu tiên có thể dẫn tới những hậu quả về người và của. Tiếp đến là chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi trên còn thấp, chỉ từ 3-5 triệu đồng đối với ô tô là chưa đủ sức răn đe", Luật sư Thắng nói.
Theo vị Luật sư này, việc tài xế không nhường đường cho xe ưu tiên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260, Bộ Luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất có thể đến 15 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1-5 năm.
"Với hành vi cố tình cản trở xe ưu tiên gây hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như xe cứu thương đang đưa người bệnh đi cấp cứu mà bị cản trở khiến không thể cấp cứu kịp thời dẫn đến người đó tử vong; Hoặc cản trở xe cứu hỏa dẫn tới khó tiếp cận đám cháy hoặc tiếp cận chậm trễ gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì lái xe hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự", ông Thắng khẳng định.
Tuy nhiên, vị Luật sư này cho rằng, trên thực tế thì việc chứng minh mối quan hệ nhân quả của hành vi và hậu quả nêu trên là rất khó, dẫn đến rất ít trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trên.
"Theo tôi, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật tới người dân thì các cơ quan chức năng (như CSGT) phải kịp thời kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử phạt nghiêm khi có phản ánh. Đồng thời, cần thiết phải điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt từ 10-15 triệu đồng để nâng cao tính răn đe cho hành vi này", Luật sư Dương Đức Thắng đề xuất.
Có thể nói, vấn đề nhường đường cho xe ưu tiên không chỉ là vấn đề về nhận thức mà còn là văn hóa giao thông, văn hóa nhường nhịn, chia sẻ của lái xe. Hãy hình dung chính căn nhà của mình đang bị cháy, hay người đang nằm trên xe cấp cứu kia là người thân của mình, chúng ta sẽ thấy giá trị của một phút cũng là quý giá biết bao.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy - báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!