Cần 'mạnh tay' xử lý những cơ sở vi phạm về an toàn cháy nổ
Vụ cháy khiến 3 người tử vong tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Song Ngân, Khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội) một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về ẩn họa khôn lường từ hành vi vi phạm an toàn cháy nổ.
Như đã đưa tin trước đó, khoảng 11 giờ 20 trưa 6/5, vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại khu vực nhà 3 tầng của Công ty TNHH Song Ngân (Công ty Song Ngân) cho Công ty TNHH Biovet (Biovet) làm kho, xưởng để sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, nằm trong Khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Ngoài thiệt hại nặng nề về tài sản, vụ cháy cũng khiến 3 công nhân của Biovet tử vong tại chỗ. Trong chiều cùng ngày, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy để làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này.
Liên quan đến vụ cháy xảy ra tại nhà xưởng của Công ty Song Ngân, theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNHC - Công an huyện Gia Lâm, qua kiểm tra đã phát hiện Công ty này không đủ điều kiện để hoạt động, sản xuất. Năm 2019, đơn vị đã lập hồ sơ xử phạt hành chính, đồng thời lập hồ sơ báo cáo cấp trên có biện pháp đình chỉ hoạt động của công ty này, nhằm hạn chế tối cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Cụ thể, ngày 9/9/2019, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH - Công an TP Hà Nội đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động đối với kho xưởng cho thuê của Công ty Song Ngân. Tiếp đó, đến ngày 15/10/2019, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP Hà Nội đã ký quyết định đình chỉ hoạt động đối với kho xưởng cho thuê thuộc công ty này, với lý do: "Nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ, vi phạm không được khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng"...
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện còn rất nhiều cơ sở sản xuất, kho xưởng tồn tại về an toàn PCCC. Điển hình như: kho, xưởng, cơ sở sản xuất tại đường Bạch Đằng quận Hai Bà Trưng; các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai... Theo đó, những cơ sở này đều được xây dựng chắp vá, nhà bao lợp bằng tôn tạm bợ, thiếu thiếu bị, phương tiện an toàn phòng cháy.
Trong đó. nhiều cơ sở cũng đã bị xử lý nhiều lần do vi phạm an toàn PCCC, chưa khắc phục lắp đặt, bổ sung thiết bị PCCC theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát PCCC, nhưng vẫn lén lút hoạt động. Ngoài ra, nhiều cơ sở đã đối phó việc đình chỉ hoạt động bằng cách khóa cửa ngoài, cổng ra vào để hoạt động bên trong. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ và hậu quả khôn lường khi xảy cháy.
Đối với những tồn tại về an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở sản xuất, kho xưởng... Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC, nâng cao ý thức, kỹ năng cho người người đứng đầu cơ sở, giám đốc các cơ quan, doanh nghiệp.
Về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kho, xưởng… theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội: An toàn PCCC đối với cơ sở sản xuất, kho xưởng có tập trung đông người được quy định rất chặt chẽ, chỉ cần thiếu tuân thủ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định và chủ động phòng ngừa phải chính từ ý thức của chủ cơ sở, người dân, mới hạn chế được cháy và những cơ sở tuân thủ theo kiểu đối phó, lơ là với an toàn PCCC chính là điều kiện phát sinh các vụ cháy nổ.
Sự nghiêm ngặt đối với nhà xưởng, cơ sở sản xuất được chiếu theo Nghị định 79/CP của Chính phủ về tiêu chuẩn PCCC nhà kho, nhà xưởng doanh nghiệp và được cụ thể hóa phù hợp với nhà xưởng sản xuất phải đủ các tiêu chuẩn PCCC, nhà kho phải được duy trì thực hiện trong suốt quá trình doanh nghiệp vận hành.
Cùng với đó, thành lập đội PCCC cơ sở, được huấn luyện kỹ nghiệp vụ về PCCC, kỹ năng hướng dẫn thoát nạn và sơ cấp cứu cho người bị nạn. Các cơ sở bắt buộc phải gắn niêm yết bảng nội quy PCCC kho, tiêu lệnh PCCC, bảng cấm lửa, cấm hút thuốc… trong khuôn viên kho xưởng.
Mặt khác, các cơ sở cần làm tốt công tác tuyên truyền ý thức phòng chống cháy nổ của công nhân viên. Nghiêm cấm việc sử dụng nguồn lửa hoặc nhiệt dưới mọi hình thức bên trong hoặc bên cạnh nhà kho, nhà xưởng. Lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện, chống phát sinh tĩnh điện phù hợp và các hệ thống điện đúng thiết kế, đồ dùng điện đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn. Nên sử dụng đường dây dẫn điện âm tường nhằm tăng sự an toàn, hạn chế sự tác động lý hóa, bị gặm nhấm, thấm ướt.
Thiết bị tự ngắt (aptomat) cần được đầu tư bài bản. Nên lắp hệ thống điện tổng và đối với từng thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Hàng hóa trong kho cần sắp xếp khoa học, để trên giá kệ gọn gàng. Phân loại từng mặt hàng có cùng tính chất và đặt ở từng vị trí riêng để khi có sự cố cháy còn có cách chữa cháy thích hợp.
Cùng với đó, trang bị đầy đủ phương tiện PCCC kho xưởng theo tiêu chí: Mỗi tầng/sàn tối thiểu là 2-3 bình chữa cháy đối với diện tích thuê kho 100m2; nhỏ hơn thì cũng cần có ít nhất 2 bình chữa cháy. Luôn có lối đi thoát hiểm thông thoáng và các điều kiện thoát nạn khi xảy ra sự cố...