Cần minh bạch giá thành sản xuất điện
Từ ngày 15/5/2024, giá điện được xét thay đổi 3 tháng/lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên. Trước thông tin này, người dân lo ngại, việc được phép điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế xã hội.
Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, việc được phép điều chỉnh 3 tháng/lần đối với giá điện cũng là một trong những bước tiến phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay thị trường phân phối điện ở Việt Nam vẫn là độc quyền. “Phải công khai cụ thể thủy điện, điện than, điện khí và năng lượng tái tạo bao nhiêu, giá mua của các loại điện trên bao nhiêu, từ đó mới ra được giá thành sản xuất. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xem chi phí nào hợp lý để chấp thuận cho tính vào giá thành sản xuất điện. Tôi cho rằng, không để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự tính, tự đưa vào giá thành sản xuất được” - Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Còn theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, giá bán điện bình quân được xác định trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện… cùng các khoản chi phí khác được phân bổ theo quy định. Quy định là vậy, nhưng điều quan trọng là hàng năm hoặc hàng quý, cơ quan điều hành cũng như EVN cần kịp thời công khai các khoản chi phí, tình hình tài chính, tình hình sản xuất, kinh doanh để người dân có thể giám sát.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu (cựu cán bộ Viện Toán học) cho rằng, công thức tăng giá điện bậc thang theo số lượng tiêu dùng như hiện nay là công cụ điều tiết khi cung chưa đủ cầu. Nó đi ngược với quy luật thị trường càng mua nhiều giá càng giảm. Nên làm thế nào để có đủ năng lượng phục vụ tiêu dùng và sản xuất với giá thành rẻ là bài toán được đặt ra. Để làm được điều này, EVN cần có biện pháp quản lý hiệu quả trong toàn ngành, tránh thất thoát, lãng phí, dẫn đến tăng giá thành và nguy cơ cứ sau một thời gian lại đề xuất tăng giá điện.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 3 tháng/lần, không có nghĩa là 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần mà còn phụ thuộc đánh giá tác động kinh tế vĩ mô, cập nhật chi phí sản xuất kinh doanh điện đã đủ mức xem xét điều chỉnh giá điện hay chưa. Cục Điều tiết điện lực sẽ điều hành giá điện đảm bảo sự công bằng, minh bạch trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành liên quan, kiểm tra chi phí và công khai cho Nhân dân giám sát đảm bảo công bằng minh bạch.
Thực tế, người dân cần sự rõ ràng, minh bạch từ phía EVN, cũng như cần có điện trong cuộc sống hàng ngày. Khi đã công khai, minh bạch, người dân sẽ hoàn toàn đồng tình, ủng hộ.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//can-minh-bach-gia-thanh-san-xuat-dien-376202.html