Cần mở rộng đối tượng của Luật Phòng, chống rửa tiền
Các đại biểu cho rằng cần bổ sung đối tượng vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền các đối tượng về ma túy, buôn người và các tổ chức xã hội đen...
Ngày 1-11, QH tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải, trong phiên thảo luận đã có 22 ý kiến phát biểu. Đa số ý kiến các đại biểu (ĐB) nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền.
Cạnh đó, các ĐB cũng đề nghị hoàn thiện dự thảo luật về một số nội dung như: Tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam; phân loại thách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của từng loại khách hàng…
ĐB Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh nêu rõ chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố theo luật này và các quy định của pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, phòng chống rửa tiền cũng nhắm đến một số đối tượng khác như ma túy, buôn người và các tổ chức xã hội đen, nếu chỉ liệt kê là khủng bố thì phạm vi của luật còn hẹp, do đó cần bổ sung đối tượng vào dự thảo luật...
Về khái niệm rửa tiền, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu rõ: Nếu coi tội phạm rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải quy định trong BLHS, phải có nguyên tắc của pháp luật hình sự; không quy định trong BLHS thì không phải là tội phạm hình sự. Do đó, ĐB Nghĩa cho rằng cần thiết kế lại vấn đề này để tránh gây hiểu lầm.
Đối với định nghĩa về tài sản, ĐB Nghĩa cho rằng trong thời đại công nghệ hiện nay, quy định như trong dự thảo luật vẫn thiếu, chưa đầy đủ. Theo ĐB Nghĩa, hiện nay chưa có khái niệm ảo, tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hóa... Do đó, cần phải quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hóa và tài sản mã hóa sẽ bao gồm được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng. Khái niệm và thực tiễn hiện nay rộng, nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật sẽ không bao quát hết và sẽ khó áp dụng.
Trong phần giải trình, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Dấu hiệu đáng ngờ” và “báo cáo giao dịch đáng ngờ” chỉ mới định tính, “cơ quan soạn thảo cũng tổng hợp từ kinh nghiệm phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính - NH, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… của Việt Nam”.
Bà Hồng cho rằng “dấu hiệu đáng ngờ” chỉ là bước cảnh báo ban đầu, sau đó có nhiều bước tiếp theo để đánh giá. Sau khi nhận được “báo cáo về các dấu hiệu đáng ngờ” của một giao dịch, NH Nhà nước phân tích, xử lý trên các hệ thống thông tin, nếu thấy thực sự nghi ngờ sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xác minh xem giao dịch đó có phải là rửa tiền hay không.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-mo-rong-doi-tuong-cua-luat-phong-chong-rua-tien-post705932.html