Cần một chiến lược có tâm và có tầm

Năm nay đánh dấu tròn 50 năm điện ảnh Việt Nam tổ chức Liên hoan phim quốc gia, tính đến nay, Liên hoan Phim Việt Nam đã trải qua 21 lần tổ chức thành công và trở thành sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia, được các nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh cũng như khán giả mong chờ.

Vì thế, để Liên hoan Phim Việt Nam trở thành một thương hiệu quốc gia có uy tín, chất lượng, hấp dẫn trong đời sống nghệ thuật ở trong nước và quốc tế, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo chuyên đề “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan Phim Việt Nam” tổ chức sáng 29-7, để lấy ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất phim…

Vấn đề quảng bá chưa đủ mạnh

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại Hội nghị - Hội thảo.

 Quang cảnh Hội nghị-Hội thảo.

Quang cảnh Hội nghị-Hội thảo.

Liên hoan phim Việt Nam luôn là ngày hội quan trọng của giới nghệ sĩ và những người làm công tác trong ngành điện ảnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vào những năm gần đây, khi đến dự các Liên hoan phim, nhiều người rất xúc động khi chứng kiến các nghệ sĩ điện ảnh lão thành 70-80 tuổi vẫn đến dự Liên hoan phim quốc gia với niềm hứng khởi và say mê, trong khi đó, một bộ phận nghệ sĩ điện ảnh đương thời lại tỏ ra thờ ơ, hờ hững. Đây là thực tế mà các nhà quản lý điện ảnh phải lưu tâm.

Là một đạo diễn trẻ, Đinh Tuấn Vũ luôn cảm thấy mình học hỏi được rất nhiều điều từ các nhà làm phim thế hệ trước cũng như những người cùng thế hệ. Theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, mỗi kỳ Liên hoan Phim là dịp để tổng kết một chặng đường của điện ảnh nước nhà.

Đinh Tuấn Vũ đã từng làm những bộ phim do Nhà nước đặt hàng và những bộ phim do các nhà sản xuất tư nhân bỏ vốn, khi nói về thương hiệu Liên hoan phim, điều đầu tiên đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nhận thấy là sự quảng bá cho Liên hoan phim còn rất nhiều hạn chế. Nó cũng giống như những bộ phim Nhà nước dù có chất lượng tốt nhưng khâu quảng bá, marketing gần như không có. Điều này gây ra hệ lụy lớn đến nỗi cứ nhắc tới phim Nhà nước là khán giả Việt Nam ngày nay thường mặc định đó là những bộ phim tuyên truyền, khô cứng hay thậm chí giáo điều.

“Vấn đề lớn nhất là sự quảng bá của Liên hoan Phim chưa đủ mạnh và không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ. Ở các kỳ Liên hoan Phim trước, công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu từ trước khi sự kiện diễn ra vài tháng. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để người dân Việt Nam có thể biết, tiếp nhận, chứ chưa nói đến việc tò mò và háo hức tham dự. Là một đạo diễn trẻ, tôi luôn mong muốn Liên hoan phim sẽ mãi là nơi hội tụ của giới làm phim ở Việt Nam, quốc tế và của mọi lứa tuổi, những người có tình yêu thực sự với điện ảnh”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết.

Đạo diễn của bộ phim nổi tiếng “Cha cõng con” Lương Đình Dũng kiến nghị: Việc xây dựng thương hiệu Liên hoan Phim Việt Nam uy tín không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong “nền kinh tế hình ảnh” như hiện nay. Các cơ quan chức năng cũng như những người làm công tác trong ngành điện ảnh phải hướng đến mục tiêu điện ảnh có thể xuất khẩu được.

“Tôi thấy có những Liên hoan Phim không có phim để trao giải nhất, như vậy đồng nghĩa với việc lượng phim tham gia thiếu phong phú, mất ổn định. Đó là một vấn đề lớn của Liên hoan Phim mà trên thực tế thì phim mới chính là cốt lõi của Liên hoan phim”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết.

 Cảnh trong bộ phim tài liệu “Chư Tan Kra” tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Cảnh trong bộ phim tài liệu “Chư Tan Kra” tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Du lịch và điện ảnh tương hỗ để phát triển

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: Du lịch và điện ảnh có mối quan hệ tương hỗ để phát triển. Sự phát triển của điện ảnh cùng với du lịch sẽ mang lại giá trị kinh tế. Những bộ phim thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng thì tại các địa điểm quay phim sẽ trở thành nơi thu hút khách du lịch. Chẳng hạn như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được quay tại tỉnh Phú Yên. Sau khi bộ phim được công chiếu thì khách du lịch biết đến với Phú Yên nhiều hơn, địa điểm quay bộ phim cũng là nơi du khách dừng chân khi đến tỉnh này.

Theo ông Hà Văn Siêu, để quảng bá thương hiệu Liên hoan phim thì phải luân phiên tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước. Vì là sự kiện mang tầm quốc gia thì phải chọn địa điểm tổ chức tầm cỡ, có đầy đủ tiêu chí, điều kiện nhất định và gắn liền với năm du lịch quốc gia.

 Địa điểm quay bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tại tỉnh Phú Yên giờ đây đã trở thành nơi thu hút khách du lịch.

Địa điểm quay bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tại tỉnh Phú Yên giờ đây đã trở thành nơi thu hút khách du lịch.

Đồng quan điểm với ông Hà Văn Siêu, Liên hoan phim gắn với du lịch, ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho rằng: Việc gắn kết quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam với các hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa và xúc tiến du lịch Việt Nam là việc trong khả năng của các cơ quan, tổ chức liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu ra các giải pháp xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Tình cho rằng, để quảng bá thương hiệu Liên hoan phim quốc gia thì phải gắn kết với các hoạt động đối ngoại và du lịch. Trong đó, phải xây dựng một chương trình hay chuyên mục truyền hình đặc biệt về Liên hoan phim, đặc biệt nhấn mạnh đến gương mặt những nghệ sĩ tiêu biểu đang được công chúng mến mộ; xây dựng “Góc Điện ảnh Việt Nam” tại các hội chợ du lịch Việt Nam và quốc tế…

Những ý kiến của các đại biểu thảo luận tại Hội nghị - Hội thảo sẽ được Cục Điện ảnh tổng hợp tiếp thu đưa vào Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia-Liên hoan Phim Việt Nam”, với mục tiêu xây dựng, quảng bá, nâng tầm và phát triển Liên hoan Phim Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/can-mot-chien-luoc-co-tam-va-co-tam-629372