Cần một cơ quan chuyên trách giám sát việc cung cấp thông tin
Mặc dù có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2018, thế nhựng Luật Tiếp cận thông tin vẫn gặp khó khăn do tính chất mới mẻ của Luật cũng như hạ tầng cung cấp thông tin và năng lực triển khai của các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp vẫn còn hạn chế. Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, kể cả khi đã có luật, thế nhưng việc tiếp cận thông tin vẫn còn rất hạn chế do nhiều lý do.
Việc thực thi vẫn còn hạn chế
Ngày 6-4-2016, Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2018. Dù vẫn còn có những ý kiến khác nhau về chất lượng của Luật, tuy nhiên, việc ban hành Luật vẫn được xem như là một kết quả quan trọng và đáng ghi nhận trong quá trình triển khai Hiến pháp 2013 và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do thông tin.
Trong Luật Tiếp cận thông tin, tại Điều 17, công dân được phép tiếp cận đến 14 loại thông tin. Và Điều 10 luật này quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan Nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin.
Nhưng trong thực tế, việc tiếp cận thông tin của công dân lại không hề đơn giản. Kể cả những công dân đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, thì khi Luật Tiếp cận thông tin được thực thi, kèm với Luật Báo chí nhưng không phải lúc nào cũng tiếp cận thông tin được đúng lúc, kịp thời theo con đường chính thống. Chia sẻ về điều này, nhà báo Nguyễn Huy Bình cho biết, anh công tác trong lĩnh vực báo chí nhiều năm, anh cực kỳ thấu hiểu câu chuyện nhà báo có đủ Thẻ nhà báo, Thẻ hội viên, giấy giới thiệu… cũng chưa chắc tiếp cận được thông tin mình muốn.
Lý giải câu chuyện trên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, công dân được tiếp cận những loại thông tin nào đã được quy định tại Điều 17 của Luật. Luật cũng quy định với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu.
Với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc nhận bản sao...
Tuy nhiên theo bà Thoa, nếu theo đúng luật định, căn cứ vào thời gian cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí thì lại hoàn toàn không phù hợp cho tính chất cũng như công việc của nhà báo. Chính thế theo bà: “Ở đây, nhà báo có lẽ sử dụng Luật Báo chí sẽ được việc hơn trong việc yêu cầu được tiếp cận thông tin.”
Còn với luật sư Đinh Hồng Hạnh, có một thời gian tiếp xúc với báo chí qua những khóa tập huấn, những buổi tác nghiệp, chị vô cùng chia sẻ với giới báo chí trong quá trình thu thập thông tin. Bởi chị cho rằng, ở Việt Nam, rất khó để xác định trách nhiệm và mức độ cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước, cũng như khó xác định đâu là thông tin của cơ quan nhà nước tạo ra và đâu là thông tin cơ quan Nhà nước nắm giữ. Hơn nữa, tư duy thông tin được cơ quan nhà nước cung cấp mặc nhiên là đúng cũng khiến cho báo chí gánh những rủi ro rất khó cưỡng, ví dụ như thông tin về mức độ ô nhiễm của Hà Nội vừa qua.
“Vì hạn chế trong chuyện tiếp cận thông tin, nên các nhà báo thường có thói quen tiếp cận thông tin một cách không “chính thức”, hoặc những thông tin chung chung do các cơ quan Nhà nước “chuyền bóng” cho nhau, hoặc hiện nay các cơ quan Nhà nước quá lạm dụng con dấu bảo mật… Tất cả những điều này càng tạo nên những rủi ro cho nhà báo trong quá trình tiếp cận thông tin.”
Cần có một cơ quan chuyên trách giám sát các đầu mối cung cấp thông tin?!
Bàn về giải pháp để Luật Tiếp cận thông tin trong tác nghiệp báo chí cho hiệu quả, bà Thoa thẳng thắn, trong việc các cơ quan Nhà nước chậm trễ hoặc không cung cấp thông tin theo Luật, công dân hoặc nhà báo có thể khiếu nại, thậm chí có thể khiếu kiện đơn vị đó. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng, việc khiếu nại, khiếu kiện ở đâu cũng là một hạn chế.
Ông Toby Mendel, GĐ Trung tâm Pháp luật và dân chủ (Canada), chuyên gia tư vấn của Tổ chức Hướng tới minh bạch nói, trên thế giới đã có khoảng 2/3 nước đã có luật về tiếp cận thông tin. Việt Nam là một trong 2/3 nước đó. Quyền tiếp cận thông tin là một quyền rất cơ bản, nhưng hiện nay Việt Nam đang bị cản trở ở phía các địa phương chứ không phải là bản thân bộ Luật. Và theo ông, để Luật được đi vào cuộc sống rõ ràng hơn, Việt Nam cần có một cơ quan chuyên trách, độc lập để giám sát việc cung cấp thông tin.
Và trong khi chưa có cơ quan chuyên trách đó, ông cũng khuyên: Các nhà báo nên chủ động, chuyên nghiệp hơn trong việc đề nghị được tiếp cận thông tin. Có thể trong mỗi phiếu yêu cầu, hãy thêm vào đó Điều – Khoản trong bộ Luật để các cơ quan Nhà nước ý thức được trách nhiệm của mình hơn. Cũng qua đó, báo chí nên có những câu chuyện cụ thể để tuyên truyền cho cả công dân và các cơ quan nắm giữ thông tin có một thói quen, ý thức quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tiếp cận, cung cấp thông tin theo luật pháp.
Nhưng trong khi chờ đợi những giải pháp đó, thì theo nhà báo Huy Bình, mỗi nhà báo nên tự trang bị cho mình những kỹ năng, thậm chí là “tiểu xảo” để khai thác và tiếp cận người, cơ quan nắm giữ thông tin mình cần biết. Bởi lẽ, đôi khi những kỹ năng đó rất có ích cho báo chí trong quá trình tác nghiệp và nắm giữ thông tin một cách nhanh chóng, chính thống nhất!