Cần nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ pháp luật

ĐBP - Những năm qua, thông qua các câu lạc bộ pháp luật trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Qua đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời, giúp hội viên và nhân dân nâng cao hiểu biết, tự giác chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, không ít câu lạc bộ pháp luật vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 122 câu lạc bộ pháp luật. Trong đó, có 92 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, 26 câu lạc bộ pháp luật (gồm 1 câu lạc bộ phòng chống tội phạm; 11 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật; 8 câu lạc bộ thanh niên với pháp luật; 4 câu lạc bộ nông dân với pháp luật; 1 câu lạc bộ cựu chiến binh với pháp luật; 1 câu lạc bộ an toàn giao thông). Các câu lạc bộ pháp luật đã thu hút đông đảo người dân đủ mọi lứa tuổi, thành phần tham gia. Nội dung hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật chủ yếu tuyên truyền các luật về dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, liên quan đến lĩnh vực phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, mua bán người... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường ý thức, trách nhiệm của Nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng cao.

Với phương châm hướng về cơ sở và xác định đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý là nhóm yếu thế trong xã hội, những năm qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã tích cực phối hợp với các phòng tư pháp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện tuyên truyền và trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở. Trong đó tập trung tại các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Công tác tư vấn pháp luật trực tiếp, lồng ghép truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý và tổ chức sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu các nội dung cơ bản của một số lĩnh vực pháp luật hiện hành theo yêu cầu của người dân được triển khai thường xuyên.

Ông Lò Văn Tiên, người dân bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) cho biết: “Khi có gì không hiểu hoặc gặp khó khăn trong giải quyết tranh chấp đất đai, tôi thường tìm đến câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để được tư vấn. Các cán bộ ở đây tư vấn nhiệt tình, giúp tháo gỡ được khó khăn, biết phải làm từng bước như thế nào để giải quyết vấn đề đúng pháp luật”.

Hạn chế hiện nay là vẫn còn câu lạc bộ pháp luật hoạt động mang tính hình thức, thậm chí thành lập cho có tên chứ không hoạt động. Nhiều câu lạc bộ pháp luật có phương thức, hoạt động tương tự nhau nên nhiều nội dung sinh hoạt trùng nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả chung hoặc gây tình trạng lãng phí nguồn lực. Có nhiều nguyên nhân, như: Kinh phí hoạt động hạn chế, tình trạng thiếu địa điểm ổn định để sinh hoạt, một địa phương có nhiều câu lạc bộ pháp luật khác nhau với thành phần, nội dung sinh hoạt trùng nhau...

Để các câu lạc bộ pháp luật trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó chú trọng áp dụng các hình thức trực quan sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt cần khuyến khích, thu hút, huy động và tạo điều kiện để những người đã, đang công tác trong các cơ quan pháp luật tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ pháp luật để định hướng thảo luận, giải đáp pháp luật, tư vấn hỗ trợ người dân tháo gỡ các vụ việc, tình huống cụ thể. Cùng với đó, nên sáp nhập các mô hình câu lạc bộ pháp luật tại một địa phương có phương châm hoạt động gần giống nhau để tận dụng các nguồn lực, tránh trùng lặp.

Thu Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/187471/can-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cac-cau-lac-bo-phap-luat