Cần nâng cao hiệu quả sử dụng một số công trình, trụ sở công
Thời gian qua, nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được đầu tư xây dựng, trị giá từ hàng chục tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả. Thực trạng này cần các cơ quan chủ quản, tỉnh Hưng Yên quan tâm, nhanh chóng có biện pháp xử lý, tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước và xã hội.
Thời gian qua, nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được đầu tư xây dựng, trị giá từ hàng chục tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả. Thực trạng này cần các cơ quan chủ quản, tỉnh Hưng Yên quan tâm, nhanh chóng có biện pháp xử lý, tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước và xã hội.
Nhìn công trình cao bảy tầng to đẹp, nằm ở ngay trung tâm quảng trường Nguyễn Văn Linh (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nhiều người dân thắc mắc tại sao đơn vị này bỏ "hoang" công trình nhiều năm đến vậy. Dự án Trung tâm Dự phòng và Phát triển tin học của VDB tại Hưng Yên có tổng mức đầu tư khoảng 111 tỷ đồng, quy mô bảy tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 6.000 m2. Dự án được khởi công năm 2014, thời gian xây dựng dự kiến 18 tháng, tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa đưa vào sử dụng. Trao đổi ý kiến với cán bộ Phòng giao dịch Hưng Yên thuộc VDB chi nhánh Hải Dương - Hưng Yên thì được biết, công trình nêu trên do VDB làm chủ đầu tư, nhưng chưa rõ đến bao giờ hoàn thiện, đưa vào sử dụng .
Dự án di dân, tái định cư vùng nguy cơ sạt lở tại xã Văn Nhuệ, huyện Ân Thi, được phê duyệt từ năm 2005. Dự án này đã qua một số lần điều chỉnh, bổ sung, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 42 tỷ đồng, có quy mô khoảng 79.000 m2, để xây dựng khu tái định cư cho 202 hộ dân, bao gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng, hệ thống giao thông nội khu, ngoại khu, hệ thống thoát nước, hệ thống điện sinh hoạt, nhà mầm non kết hợp nhà văn hóa khu dân cư. Tuy nhiên, thời gian triển khai, xây dựng các hạng mục công trình kéo dài đến năm 2016 mới hoàn thành các hạng mục và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán với tổng giá trị hơn 37 tỷ đồng. Do nhu cầu tái định cư không còn cấp thiết nữa, dẫn đến nhân dân vùng có nguy cơ sạt lở không mặn mà ra khu ở mới. Hiện nay, chỉ có khu nhà hai tầng của khu tái định cư được xã Văn Nhuệ sử dụng làm trường học mầm non, còn các hạng mục khác bỏ hoang, một số hạng mục trong dự án đang xuống cấp nghiêm trọng. Dự án di dân, tái định cư ở xã Tân Hưng, TP Hưng Yên, dự án di dân, tái định cư ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng cũng rơi vào cảnh tương tự.
Bên cạnh những công trình, dự án bỏ hoang, ở tỉnh Hưng Yên có nhiều trụ sở làm việc công năng sử dụng kém hiệu quả, điển hình: một số trụ sở của cơ quan thuế tại các huyện Văn Lâm, Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Kim Ðộng có diện tích xây dựng lớn, lên tới hàng nghìn mét vuông, nhưng diện tích đang được sử dụng rất thấp. Chánh Văn phòng Cục Thuế tỉnh Hưng Yên, Trần Văn Ngọc cho biết: Theo kế hoạch đến tháng 3-2020, ngành thuế tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành việc thành lập chi cục thuế khu vực; từ 10 chi cục thuế ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, được sáp nhập để thành lập năm chi cục thuế khu vực. Sau khi thành lập xong, các chi cục chỉ để lại một số nhân viên ở bộ phận một cửa, một số đội thuế liên xã làm việc tại trụ sở các chi cục thuế cũ (những trụ sở không được chọn làm trụ sở chính) dẫn đến tình trạng khoảng 70% số phòng, hội trường ở những trụ sở này sử dụng chưa hiệu quả, đang xuống cấp. Nhưng lãng phí hơn cả là việc sử dụng công năng của các khu ký túc xá, giảng đường, kết cấu hạ tầng ở Trường đại học Thủy lợi cơ sở Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên. Ðây là cơ sở được đầu tư xây dựng hiện đại, có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, quy mô đào tạo khoảng 15 nghìn sinh viên đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhiều năm nay, tuy nhiên, do số lượng sinh viên, cán bộ, giảng viên của Trường đại học Thủy lợi về đây học tập và làm việc không nhiều cho nên hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất ở đây rất thấp.
Trước thực trạng nhiều trụ sở nơi thì bỏ hoang, nơi thì xuống cấp, chật chội, đặt ra bài toán cho tỉnh Hưng Yên cần phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị rà soát việc đầu tư, nhất là những công trình bỏ hoang hoặc hiệu quả sử dụng thấp để có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng công trình, trụ sở, hạn chế việc bỏ hoang, gây lãng phí, thất thoát ngân sách của Nhà nước và xã hội.