Cần nâng cao hơn nữa ý thức cộng đồng để phòng, chống dịch hiệu quả

Những ngày vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn biến hết sức phức tạp với số ca dương tính ghi nhận trong ngày liên tục tăng cao. Đặc biệt trong hôm qua (10-12), cả tỉnh đã có hơn 1.000 ca F0. Để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống dịch hiện nay của tỉnh, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chỉ huy trưởng thường trực Trung tâm Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 tỉnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chỉ huy trưởng thường trực Trung tâm Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chỉ huy trưởng thường trực Trung tâm Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh

* Thưa bà, trong những ngày gần đây tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp với số ca dương tính ghi nhận trong ngày khá cao. Xin bà cho biết, với số ca F0 tăng nhanh đột biến như vậy thì công tác thu dung điều trị của tỉnh Bình Phước đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Do đã dự báo trước tình hình, tỉnh Bình Phước đã chủ động các phương án thu dung và điều trị các bệnh nhân Covid-19. Hiện nay, đối với cấp huyện, xã đã có 23 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và mức độ nhẹ với số lượng 2.100 giường. Đối với cấp tỉnh, trong tuần này sẽ kích hoạt thêm 2 bệnh viện dã chiến tại thành phố Đồng Xoài với quy mô khoảng 1.200 giường, nâng tổng số khả năng thu dung điều trị lên khoảng 4.400 giường, trong đó có gần 400 giường điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch…

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiêm vắc xin với mức độ bao phủ rộng nên số ca mắc Covid-19 vừa rồi đa số là mức độ nhẹ và không triệu chứng, do đó tỉnh khuyến khích các trường hợp này điều trị tại nhà và doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có khoảng 3.000 ca F0 đang điều trị tại nhà và doanh nghiệp, đây cũng là phương án giúp giảm áp lực cho các cơ sở y tế điều trị tập trung trong tỉnh.

* Thời gian gần đây, tỉnh Bình Phước đã ghi nhận khá nhiều ổ dịch phức tạp trong cộng đồng khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thưa bà, từ các ổ dịch này chúng ta cần lưu ý vấn đề gì?

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc thực hiện các quy định phòng chống dịch chung, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền bằng các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để bà con dễ hiểu, dễ tiếp cận và nắm bắt… Song song đó, tỉnh Bình Phước cũng đề cao vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng chống dịch, đặc biệt là vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số đi tiêm vắc xin đầy đủ theo đúng quy định.

Phương án điều trị F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà là giải pháp chia sẻ áp lực với các cơ sở điều trị tập trung hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Phương án điều trị F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà là giải pháp chia sẻ áp lực với các cơ sở điều trị tập trung hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước

* Thưa bà, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Trung tâm Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đưa ra khuyến cáo gì đối với người dân để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao hơn?

Để có thể chung sống an toàn trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh như hiện nay, UBND tỉnh kêu gọi nhân dân hết sức bình tĩnh, không hoang mang và lơ là chủ quan, phải tăng cường hơn nữa ý thức phòng chống dịch… Đặc biệt không chủ quan khi cho rằng đã tiêm đủ vắc xin là không bị lây nhiễm và nếu nhiễm bệnh vẫn có thể lây lan cho người khác. Do đó, chúng tôi mong muốn người dân tuân thủ các việc sau đây:

Thứ nhất, luôn tuân thủ triệt để nguyên tắc 5K, các hướng dẫn của ngành y tế; luôn mang khẩu trang khi ra khỏi nhà… Đối với các trường hợp có nguy cơ cao như F1 và trường hợp nghi nhiễm, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở… phải khẩn trương liên hệ với chính quyền địa phương và cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Thứ hai, chúng tôi mong muốn người dân tự test nhanh Covid-19 tại nhà để chủ động sàng lọc nguy cơ đối với chính bản thân mình. Nếu có kết quả dương tính thì liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế gần nhất và bình tĩnh nhớ lại lịch trình tiếp xúc của mình để ngành chức năng thuận tiện trong việc truy vết.

Thứ ba, chúng tôi mong muốn người dân tiêm đầy đủ vắc xin theo quy định. Hiện nay, tỉnh đã được phân bổ đầy đủ vắc xin để tiêm mũi 2 cho người đủ 18 tuổi trở lên. Theo dự kiến ngày 24-12 tới, chúng ta sẽ tiêm mũi 2 cho tất cả người dân trên 18 tuổi đúng với khoảng cách tiêm giữa mũi 1 và mũi 2. Tuy nhiên, hiện giờ chúng ta vẫn còn hơn 17.000 người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi 1 và riêng nhóm trẻ từ 12-17 tuổi còn khoảng 1.500 em chưa tiêm mũi 1. Vì vậy, chúng tôi đề nghị người dân vận động người thân và đưa con em mình đi tiêm đầy đủ, đúng quy định.

Đặc biệt đối với người cao tuổi và bệnh nền càng cần phải nhanh chóng đi tiêm vắc xin, bởi thực tế trong tổng 26 ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến nay thì chủ yếu là người có bệnh nền và cao tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin. Do vậy, đối với người cao tuổi, bệnh nền phải nhanh chóng tiêm vắc xin để giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 và nếu có lây nhiễm cũng giảm nguy cơ trở thành bệnh nhân nặng và giảm nguy cơ tử vong vì Covid-19.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Tấn (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/128924/can-nang-cao-hon-nua-y-thuc-cong-dong-de-phong-chong-dich-hieu-qua