Cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon
Mỗi ngày Thành phố Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó trung bình có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Việc gia tăng nhanh chóng rác thải nhựa, túi nilon trên địa bàn Thành phố tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường.
Thành phố Hà Nội thải ra khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon mỗi ngày
Theo Báo cáo của Liên hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17 trên 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm do rác thải nhựa lớn trên thế giới, có 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, mỗi ngày hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó trung bình có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Phần lớn rác thải nhựa sẽ được đưa đến những bãi chôn lấp và thậm chí còn thải ra đại dương. Loại rác thải này rất khó phân hủy, để lại hậu quả lâu dài. Khi rác thải nhựa bị phân rã không có nghĩa là đã bị loại trừ hoàn toàn, chỉ là từ một mảnh lớn tách thành những mảnh nhỏ hơn và tiếp tục phá hủy môi trường đất, nước ngầm và đại dương.
Bên cạnh đó, nhựa dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70C - 8000C và có thể hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể con người. Nhất là trong nhựa có chứa một chất độc hại là Dioctyl phthalate (DOP) có thể gây ảnh hưởng giới tính ở các bé trai và gây vô sinh ở các bé gái.
Ngoài ra nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Việc đốt nhựa không đúng quy chuẩn cũng sẽ thải ra vô số những khí độc hại và gây hiệu ứng nhà kính.
Thực tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tại các khu chợ cóc, chợ tạm thậm chí là những khu chợ truyền thống, siêu thị lượng rác nhựa, nilon thải ra mỗi ngày là rất lớn. Từ đồ khô, từ đồ tươi đến đồ chín, thịt cá, rau củ quả,… tất cả đều được bọc và đựng trong túi nilon.
Rác thải nhựa, túi nilon được xả trực tiếp ra môi trường, kéo theo một loạt những hệ lụy khôn lường
Lý giải về thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa, chị Nguyễn Thị Mai (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết :“Việc sử dụng những sản phẩm nhựa để đựng thực phẩm, túi nilon đem đến sự tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành rẻ. Điển hình như việc các quán bán hàng ăn không có đồ nhựa, túi nilon thì không thể đựng vào cái khác được”.
Để giảm thiểu việc gia tăng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, bác Đặng Bích Vân (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) cho rằng :“Quan trọng nhất là bắt nguồn từ ý thức của từng người, thói quen vứt rác thải bữa bãi. Có người nhận thức được việc xả rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường để hướng tới những sản phẩm an toàn hơn, thay vì sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Bên cạnh đó, các ban ngành chức năng có những biện pháp xử phạt mang tính răn đe hành vi xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường”, bác Vân cho biết thêm.
Trước thực trạng trên, mới đây UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH - UBND ngày 25/10/2019 về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy...
Bên cạnh khuyến khích sự tự giác của người dân, các ban ngành chức năng cũng cần có những giải pháp kiểm soát nguồn cung sản phẩm nhựa ra thị trường, tác động trực tiếp đến lợi ích để thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 5/11, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị "Mỗi người, mỗi gia đình không nên sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Trong đó các cơ quan đoàn thể, mỗi cán bộ và đảng viên phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện việc giảm thiểu rác thải nhựa. Ngoài ra người dân cũng từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần”.