Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương
Tinh thần đổi mới của Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở, vừa được ban hành, sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong xây dựng chính sách là một trong những nội dung quan trọng mà PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế chia sẻ.
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế.
- Về việc đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, Bộ Y tế đang tập trung vào mục tiêu cụ thể nào, thưa bà?
- Đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở được thực hiện dựa trên những định hướng chính, bao gồm nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; kết hợp linh hoạt các công cụ tài chính y tế (giá dịch vụ, danh mục dịch vụ y tế được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, phương thức chi trả…) nhằm tạo động lực khuyến khích việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho y tế cơ sở.
Cụ thể, đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng chi cho y tế cơ sở dựa trên kết quả hoạt động và điều kiện thực tiễn; áp dụng phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản; chi trả theo hướng khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe dân cư tại cộng đồng.
Đồng thời tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm. Hoàn thiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu tiếp tục tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với ngân sách nhà nước, khả năng chi trả của nhân dân; từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của y tế cơ sở do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phù hợp với mức đóng.
- Vậy như bà nói thì vai trò của địa phương trong việc phát triển y tế cơ sở nên được hiểu thế nào?
- Như chúng ta đã biết, để thực hiện hiệu quả công tác y tế cơ sở cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và các địa phương, trong đó vai trò của Bộ Y tế chủ yếu là hỗ trợ tạo ra các chính sách mở nhằm củng cố, hoàn thiện và phát triển y tế cơ sở, xây dựng hệ thống các hướng dẫn chuyên môn liên quan tới y tế cơ sở, và huy động nguồn lực (tài chính và kỹ thuật) để bổ sung, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là những địa phương khó khăn thực hiện các hoạt động củng cố, hoàn thiện và phát triển y tế cơ sở.
Việc thực hiện thành công các chính sách về y tế cơ sở sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính các địa phương, theo đó sự vào cuộc một cách tích cực và chủ động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò quyết định.
Đặc biệt trong những nội dung quan trọng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lồng ghép chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe, y tế trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm, 10 năm của địa phương, công tác kiểm tra, giám sát, công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch củng cố, hoàn thiện và phát triển y tế cơ sở, công tác huy động nguồn lực địa phương cho y tế cơ sở, công tác phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư…
- Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở vừa được ban hành được kỳ vọng là bệ đỡ giúp y tế cơ sở phát triển, vậy ngành Y tế sẽ hiện thực hóa mục tiêu này bằng các giải pháp ra sao, thưa bà?
- Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư bao hàm nhiều nội dung mới nhằm tập trung phát triển y tế cơ sở. Thứ nhất, Chỉ thị xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở, theo đó nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở.
Thứ hai, Chỉ thị nhấn mạnh trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở. Điểm mới này phản ánh tầm nhìn mới có tính chất toàn cầu đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu theo đó các chính sách và hành động liên ngành nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe được xem là có vai trò cực kỳ quan trọng.
Thứ ba, phạm vi của y tế cơ sở được mở rộng hơn theo đó các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Đặc biệt, y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.
Thứ tư, Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời, khuyến khích sự linh hoạt của mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng tối ưu nhu cầu thực tế, chẳng hạn các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp.
Thứ năm, Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và việc đầu tư cho y tế cơ sở phải gắn với đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính. Điểm mới này được xem định hướng quan trọng để giải quyết đồng thời hai thách thức liên quan tới tài chính y tế cho y tế cơ sở, đó là bảo đảm nền tảng tài chính bền vững cho hoạt động y tế cơ sở và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thứ sáu, Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, đồng thời xác định những nhóm giải pháp cốt lõi để thực hiện nhiệm vụ này (chính sách đào tạo nhân lực; chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ; chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở; chính sách luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở).
Thứ bảy, Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng.
Việc thiếu trang thiết bị hiện đại, đội ngũ tay nghề giỏi ở tuyến dưới khiến nhiều bệnh nhân tìm đến bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Thành Đạt
- Với những giải pháp đã thực hiện thời gian qua, theo bà công tác đầu tư cho y tế cơ sở thời gian tới nên tăng cường nội dung nào?
- Về xác định mức độ ưu tiên, đối với công tác chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu/y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay.
Với phương thức chăm sóc sức khỏe: Chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe (kinh tế, xã hội, môi trường).
Về đầu tư cho y tế cơ sở: Chuyển từ quan niệm trước đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) sang quan điểm coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân.
Cách tiếp cận mang tính hệ thống: Không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà cần chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng.
Nhờ vậy sẽ tạo ra tầm nhìn chiến lược cũng như tạo ra xung lực mới cho củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó giúp mạng lưới y tế cơ sở tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng, trong đó có chức năng rất quan trọng là "người gác cổng" của hệ thống y tế.
- Xin cảm ơn bà!
(Theo nhandan.vn)