Cần nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19
Trong 1 tháng nay, một số địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Hải Dương… đã liên tiếp xuất hiện các ca bệnh Covid-19. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, thì ý thức, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ông Quan Văn Sách, Trưởng thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, những ngày qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng được cập nhật thường xuyên, liên tục, ông rất lo khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, với các ca bệnh xuất hiện tại cộng đồng. Do đó, việc cần thiết ngay lúc này là mỗi người cần nêu cao ý thức, trách nhiệm cá nhân, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, không tụ tập đông người… Trong thôn có 1 gia đình vừa đi từ vùng dịch về và đã cách ly tại nhà. Ông cùng các đoàn thể thôn cũng đã trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền về cách phòng, chống dịch hiệu quả cho bản thân và gia đình.
Để ứng phó với dịch bệnh quay trở lại, những ngày gần đây, tỉnh cũng như các địa phương, đơn vị đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, tính đến ngày 25-8, toàn tỉnh rà soát được 2.209 trường hợp đi từ Đà Nẵng và các tỉnh có ca bệnh trở về địa phương; lấy mẫu xét nghiệm 1.026 mẫu, 1.022 mẫu đã có kết quả âm tính, 4 mẫu đang chờ kết quả. Toàn tỉnh hiện có 601 trường hợp đang cách ly. Trong đó có 9 trường hợp đang cách ly tập trung, 18 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, các trường hợp cách ly và theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và đa số người dân tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thì còn một bộ phận người dân vẫn chủ quan, không thực hiện nghiêm những khuyến cáo của ngành Y tế. Dạo quanh thành phố Tuyên Quang và các huyện trong tỉnh, nhất là vào buổi trưa, chiều muộn và buổi tối, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp nhiều quán nhậu, quán nước... vẫn sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, tổ chức ăn uống đông người. Cùng với đó là những dãy bàn kê sát để tận dụng khoảng không gian hẹp, không có bất cứ biện pháp phòng, chống dịch nào được áp dụng. Câu hỏi đặt ra là nếu như có người trong quán vô tình đã tiếp xúc với người mắc Covid-19 hoặc đang mang trong mình vi rút SARS-CoV-2 thì điều gì sẽ xảy ra?
Chị Lê Thị Nga, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ, nghe thông tin trên báo, đài, ti vi và được các đoàn thể ở tổ dân phố tuyên truyền, chị và các thành viên trong gia đình đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đó là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, hạn chế tập trung đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng… Tuy nhiên, khi đi trên đường, chị thấy nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang; các quán nước, quán ăn đều rất đông người mà không sử dụng các biện pháp phòng dịch... Việc mọi người chủ quan sẽ gây nguy hiểm cho chính mình và mọi người, nếu chẳng may vô tình tiếp xúc gần với người có nguy cơ cao mắc dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, tình trạng tiểu thương không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách mua hàng vẫn còn nhiều. Chị Giàng Thị Phương, người buôn bán cá ở chợ thị trấn Na Hang (Na Hang) nói, theo thông tin trên báo, ti vi thì trong tỉnh chưa có người mắc dịch Covid-19. Vì vậy, để thuận lợi cho việc trao đổi với khách hàng nên chị cũng ít khi đeo khẩu trang.
Ngày 18-8, Bộ Y tế đã có Công văn số 4393 về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh. Một trong những yêu cầu được đặt ra là dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh. Theo đó, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực nghiêm để bảo đảm an toàn cho cán bộ, y bác sỹ và người bệnh. Theo bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua ngành Y tế tỉnh đã cập nhật, thông tin thường xuyên tình hình dịch bệnh đến người dân. Qua đó giúp nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng, chống dịch của mỗi người. Cùng với đó, ngành cũng thực hiện nghiêm túc việc cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà (đủ 14 ngày tính từ ngày tiếp xúc lần cuối) đối với các trường hợp đến, đi qua, ở/lưu trú tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, ngành Y tế cũng phối hợp với chính quyền cơ sở, tăng cường rà soát, sàng lọc các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở… chỉ định xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh Covid-19, để tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định; tổ chức giám sát chặt chẽ (khai báo, cách ly y tế) với các đối tượng về từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh...
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Do vậy, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch theo các khuyến cáo của ngành Y tế.