Cần nâng cấp mạng lưới cung cấp nước sạch ở Bồ Đề

Hệ thống nước sạch tập trung ở xã Bồ Đề (Bình Lục) được đầu tư xây dựng từ năm 2004, đến năm 2006 chính thức hoạt động. Tổng mức đầu tư của công trình trên 5,2 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 3,1 tỷ đồng, còn lại ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Đây là công trình đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm' nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho người dân vùng sông Châu bị phơi nhiễm Asen.

Sau nhiều năm hoạt động, đến nay công trình xuống cấp, thiết bị lạc hậu, công suất không đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì vậy, yêu cầu chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cấp trang thiết bị; đồng thời phối hợp với đơn vị cấp nước trong khu vực mở rộng mạng lưới cấp nước sạch liên vùng, chính là nguyện vọng của nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trạm cấp nước sạch xã Bồ Đề có công suất 1.000 m3 nước/ngày đêm. Đến tháng 3/2024, toàn xã có 1.766 gia đình (chiếm hơn 90% tổng số hộ) được dùng nước sạch tập trung. Số hộ còn lại sử dụng các nguồn nước khác như: nước mưa, nước giếng khoan để sinh hoạt. Những năm qua, công tác quản lý trạm nước sạch ở Bồ Đề được UBND xã khoán cho tổ dịch vụ nước sạch thông qua hợp đồng ký kết có kế toán theo dõi hạch toán thu, chi hằng quý, hằng năm. Giá nước thu đến hộ tiêu dùng những năm trước đây là 2.700 đồng/m3 (không tính thuế, phí), giá thu được điều chỉnh phù hợp ở từng giai đoạn. Từ năm 2013 giá nước áp dụng mức thu 5.200 đồng/m3 và hiện tại là 6 nghìn đồng/m3.

 Hiện nay, gia đình bà Đỗ Thị Hoa ở thôn 5, xã Bồ Đề phải sử dụng nhiều nguồn nước để sinh hoạt.

Hiện nay, gia đình bà Đỗ Thị Hoa ở thôn 5, xã Bồ Đề phải sử dụng nhiều nguồn nước để sinh hoạt.

Theo báo cáo của UBND xã, từ năm 2006 đến nay, xã thực hiện 2 lần điều chỉnh giá nước nhưng đều được nhân dân đồng thuận và đây là giá bình toán thu, chi. Tổng số tiền thu của trạm bình quân mỗi tháng đạt trên 50 triệu đồng. Số tiền thu được phục vụ chi trả tiền điện, vật tư, hóa chất, công quản lý, sửa chữa, vận hành. Song, do giá chi phí vật tư đầu vào, nhân công và các chi phí khác tăng trong khi đó giá thu tiền nước ổn định nhiều năm, nguồn thu ngân sách xã hạn chế, nên việc tu bổ, nâng cấp trang thiết bị tại trạm gặp khó khăn, dẫn đến chất lượng nước, công suất bơm không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước sạch của người dân.

Thời gian qua, nhiều gia đình, nhất là các hộ ở cuối nguồn như tại thôn 4 và 5 không có nước sạch để sinh hoạt. Một số hộ ở thôn 4 đã liên hệ với đơn vị cấp nước sạch trong khu vực để ký hợp đồng cấp nước sinh hoạt. Vào khoảng hơn 10 ngày cuối tháng 3/2024, nhiều gia đình không có nước sạch từ trạm cấp nước sạch tập trung để sử dụng. Bà Đỗ Thị Hoa ở thôn 5 cho biết: Do trạm cấp nước hoạt động không ổn định, vì vậy, nhiều hộ vẫn duy trì các nguồn nước mưa, giếng. Gia đình tôi bình quân mỗi tháng tiêu thụ khoảng 10 m3 nước sạch, nhưng gần đây việc cấp nước không thường xuyên, rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ địa phương đầu tư nâng cấp trạm bơm hoặc kết nối mạng lưới cấp nước sạch từ các nhà máy nước sạch trong vùng để người dân được bảo đảm nước sinh hoạt thường xuyên.

Đây chỉ là một trong những ý kiến của nhiều người dân xã Bồ Đề ở khu vực xa trạm cấp nước sạch tập trung hiện đang thiếu nước sạch để sinh hoạt. Ông Trương Công Miên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước thực tế này, UBND xã đã liên hệ với doanh nghiệp cấp nước trong khu vực khảo sát, hỗ trợ việc cấp nước sạch cho người dân. Bên cạnh đó, xã cũng đề nghị các cấp, ngành chức năng cho phép được bàn giao hệ thống nước sạch nông thôn cho đơn vị có năng lực quản lý để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị theo công nghệ mới, tăng công suất hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ sức khỏe cho người dân địa phương.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/can-nang-cap-mang-luoi-cung-cap-nuoc-sach-o-bo-de-135774.html