Cần ngăn chặn tình trạng sạt lở đất ven sông Mã
Tình trạng sạt lở đất ven bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân (huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Sạt lở đã lấn sâu vào đất bãi bồi làm nhiều diện tích trồng các loại cây như ngô, mía bị sạt xuống lòng sông. Người dân nơi đây đang rất bất an khi tình trạng sạt lở kéo dài. Nếu chính quyền không sớm dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực này, những diện tích đất nông nghiệp còn lại có nguy cơ sẽ bị sạt xuống dòng sông.
Xã Cẩm Vân Thủy có 7 km đường ven bờ sông Mã. Tại khúc sông đoạn chảy qua các thôn Vân Quang, Quan Phác, Tường Yên đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất bãi bồi với chiều dài khoảng 1,5 km. Những vết sạt lở ngày càng lan rộng, có đoạn ăn sâu vào bãi bồi khoảng 10 m làm đất nông nghiệp bị sạt xuống sông, gây nguy hiểm cho người dân khi đang canh tác tại khu vực này.
Theo người dân địa phương, bờ sông Mã sạt lở do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do tình trạng khai thác cát trên sông Mã đã làm lệch dòng chảy, cộng thêm nhiều đợt mưa lũ làm đất bãi bồi ven sông bị sạt lở. Trải qua thời gian, sạt lở đã lấn sâu vào khu vực trồng cây nông nghiệp của người dân. Hiện, trên sông Mã đoạn từ xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy đến huyện Vĩnh Lộc có 4 mỏ khai thác cát.
Tại bãi bồi thuộc thôn Quan Phát, 5 năm qua, tình trạng sạt lở đất ven bờ sông ngày càng lan rộng. Thôn có hơn 200 hộ dân đang canh tác tại khu vực này. Do bị sạt lở nên đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Sỹ Tuấn (thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân) cho biết, người dân sống bằng nghề nông nên rất cần đất canh tác. Tuy nhiên, sạt lở bờ sông đã làm diện tích đất bị thu hẹp. Ông Tuấn mong muốn, chính quyền sớm xây dựng một bờ kè chống sạt lở tại khu vực này, hoặc phải hạn chế việc khai thác cát trên sông Mã (lòng sông giờ đây không còn nhiều cát và nếu tiếp tục khai thác sẽ gây sạt lở đất canh tác của dân).
Theo ông Nguyễn Tuyên (thôn Vân Quang, xã Cẩm Vân), khoảng 250 hộ dân có đất canh tác tại bãi bồi ven bờ sông Mã. Đến nay, diện tích đất canh tác đang ngày cành thu hẹp. Năm năm trước, gia đình ông đang có 137 m2 đất nông nghiệp tại bãi bồi thôn Vân Quang nhưng hiện nay do bị sạt lở xuống sông nên chỉ còn 37 m2 đất để canh tác.
Ông Phạm Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cho biết, ngay khi có phản ánh về hiện tượng đất nông nghiệp bị sạt lở, UBND xã đã đề nghị các cơ quan chức năng tạm dừng việc khai thác cát tại các mỏ trên sông Mã một năm để thực hiện việc quan trắc, sau đó mới cấp phép hoặc tiếp tục cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát. Tại khu vực ven bờ sông Mã hiện còn khoảng 30 ha đất nông nghiệp của gần 1.000 hộ dân. Về lâu dài, xã cần đầu tư xây dựng một công trình kè chống sạt lở bờ sông tại khu vực này.
Trước tình trạng sạt lở bờ sông Mã diễn ra ngày càng nghiêm trọng, UBND huyện Cẩm Thủy đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện dự án kè hai bên bờ sông Mã trên địa bàn. Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè cấp bách chống sạt lở do thiên tai trên sông Mã đoạn qua xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy do UBND huyện Cẩm Thủy làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của 521 hộ dân xã Cẩm Vân và tuyến đường tỉnh 518B; đồng thời ngăn sạt lở bờ sông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án. Tuy nhiên, dự án này chỉ kè được hơn 900 m bờ sông Mã thuộc địa phận xã Cẩm Vân, những diện tích còn lại chưa được đầu tư xây dựng.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy, năm 2019, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh đầu tư dự án xây dựng bờ kè dọc hai bên bờ sông Mã với số vốn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên tỉnh mới cấp khoảng 36 tỷ đồng để thực hiện dự án xây bờ kè cấp bách chống sạt tại thôn Quan Bằng và thôn Tiên Lăng của xã Cẩm Vân với chiều dài khoảng 900 m2; chưa thể đầu tư tiếp kè chống sạt lở đối với những diện tích còn lại.
Ông Nguyễn Trọng Đông cho biết thêm, huyện hiện có các xã Cẩm Ngọc, Cẩm Vân, Cẩm Tân, Cẩm Yên và thị trấn Phong Sơn có đường bờ sông Mã với chiều dài 8 km chưa được xây kè bảo vệ; trong đó có 4 km đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất bờ sông. Thời gian tới, UBND huyện Cẩm Thủy đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây kè bảo vệ những đoạn xung yếu tránh sạt lở; qua đó bảo vệ đất nông nghiệp và nhà cửa, góp phần nâng cao đời sống của người dân khu vực ven bờ sông Mã.