Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn phá rừng ở các khu bảo tồn thiên nhiên tại Đác Lắc

Thời gian gần đây, tại các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) ở tỉnh Đác Lắc liên tiếp xảy ra các vụ lâm tặc chặt phá, khai thác trái phép gỗ quý. Mặc dù các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đã có nhiều cố gắng ngăn chặn nhưng hiệu quả còn thấp.

Nhiều cây giáng hương có đường kính lớn tại Tiểu khu 622, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đác Lắc) bị lâm tặc khai thác trái phép.

Nhiều cây giáng hương có đường kính lớn tại Tiểu khu 622, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đác Lắc) bị lâm tặc khai thác trái phép.

Mất rừng đổ tại khách quan

Khu BTTN Ea Sô (huyện Ea Kar, Đác Lắc) có tổng diện tích hơn 26.600 ha, trong đó phân khu rừng bảo vệ nghiêm ngặt hơn 15.000 ha. Trong khu bảo tồn có rất nhiều loại gỗ quý hiếm như giáng hương, cẩm lai, cà te, trắc… và nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như bò tót, bò rừng... Tuy nhiên, thời gian gần đây, lâm tặc liên tiếp xâm phạm khu bảo tồn này, khai thác gỗ giáng hương quý hiếm nằm ngay vùng lõi của khu bảo tồn. Cụ thể, ngày 28-9 vừa qua, trong khi tổ chức tuần tra QLBVR, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô phát hiện một nhóm đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép tại Tiểu khu 622; đã kịp thời vây bắt được ba đối tượng, gồm Lê Mô Y Cường, Ha Ra Y Trang và La Ô Y Em, cùng trú tại buôn Zô, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, Phú Yên). Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện có 26 cây gỗ giáng hương thuộc nhóm IIA, đường kính phần gốc từ 20 cm đến 35 cm bị chặt hạ. Phần lớn số gỗ đã bị lấy đi, chỉ còn lại cành ngọn và 31 phách gỗ các đối tượng chưa kịp vận chuyển.

Trước đó, vào tháng 3-2016, cũng tại Khu BTTN Ea Sô, lâm tặc ngang nhiên đốn hạ 29 cây gỗ giáng hương quý hiếm tại Tiểu khu 637 thuộc diện được bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi cây có đường kính từ 20 cm đến 30 cm. Điều đáng nói là địa điểm lâm tặc triệt hạ các cây gỗ giáng hương này cách quốc lộ 29 chỉ 30 m và cách Trạm Kiểm lâm số 1 (Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô) khoảng 500 m và diễn ra trong một thời gian dài nhưng lực lượng

kiểm lâm của khu bảo tồn không hề hay biết. Khi phát hiện thì lâm tặc đã cưa, xẻ và vận chuyển ra khỏi rừng một khối lượng lớn gỗ. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1 Lê Chiến Binh cho biết: Do rừng ở đây dày, trong rừng có rất nhiều đường nhỏ, khi phát hiện thì lâm tặc bỏ chạy vào rừng nên không thể đuổi bắt được. Sau khi phát hiện lâm tặc đốn hạ 29 cây gỗ giáng hương, lãnh đạo Trạm đã báo cáo Ban Giám đốc Khu BTTN Ea Sô. Do đây là vụ khai thác trộm gỗ rừng nghiêm trọng nên Ban Giám đốc khu bảo tồn phối hợp Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar khởi tố vụ án để điều tra, xử lý.

Trong khi các ngành chức năng của huyện Ea Kar chưa điều tra ra các đối tượng khai thác trái phép 29 cây gỗ giáng hương, thì cuối tháng 9 vừa qua lại xảy ra vụ khai thác trái phép 26 cây gỗ giáng hương tại Tiểu khu 622. Giám đốc Khu BTTN Ea Sô Lê Đắc Ý cho biết: “Khu vực rừng bị phá lần này nằm cách xa các trạm QLBVR, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn... Lợi dụng mùa mưa, nước suối Ea Puich chảy qua khu vực này lên cao, lâm tặc đã cột các phách gỗ vào túi ni-lông, săm ô-tô bơm đầy hơi rồi thả trôi theo dòng nước chảy về sông Krông H’năng (đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đác Lắc và Phú Yên) và từ đây gỗ được vận chuyển sang tỉnh Phú Yên.

Không chỉ tại Khu BTTN Ea Sô, mới đây, vào chiều 30-9, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Đác Lắc) phối hợp Công an huyện M’Đrắc đã phát hiện và bắt giữ bốn đối tượng, gồm: Nguyễn Kiệp, Đỗ Ngọc Khoa, Trần Khánh Linh và Hồ Văn Hùng cùng trú ở tỉnh Phú Yên đang vận chuyển gỗ trái phép tại Tiểu khu 718 do Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu, huyện M’Đrắc quản lý. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ ba xe chở 65 lóng gỗ, với khối lượng hơn 35 m3 thuộc chủng loại từ nhóm III đến nhóm IV. Mặc dù điểm tập kết gỗ và hiện trường khai thác gỗ nằm ngay cửa rừng, gần Ban Quản lý rừng phòng hộ, số lượng gỗ khai thác khá lớn nhưng đơn vị chủ quản lại không hề hay biết. Kiểm tra chung quanh khu vực tập kết gỗ gần đó, tổ công tác còn phát hiện nhiều dấu vết của những vụ phá rừng mới diễn ra.

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu lý giải: Thời điểm trước khi phát hiện ra vụ phá rừng này trời mưa liên tục, khiến việc tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, lâm tặc đã lợi dụng để đưa phương tiện vào rừng khai thác gỗ; tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận, lực lượng kiểm lâm được giao giữ rừng ở khu vực này đã chủ quan, lơ là trong công tác tuần tra, kiểm soát.

Chậm chạp trong xử lý

Các khu BTTN, vườn quốc gia, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Đác Lắc, đặc biệt là Khu BTTN Ea Sô có diện tích lớn, có tính đa dạng sinh học cao và là môi trường sống lý tưởng bậc nhất Việt Nam đối với bò tót, bò rừng và các loài thú quý hiếm thuộc bộ móng guốc ăn cỏ sinh sống… Tuy nhiên, rừng và các loại động vật quý hiếm ở đây đang bị đe dọa nghiêm trọng do các đối tượng khai thác rừng, săn bắn thú rừng săn lùng từ nhiều phía khiến công tác QLBVR càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn bao giờ hết, nhất là khu vực tiếp giáp với tỉnh Gia Lai và tỉnh Phú Yên.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô Trần Lê Trinh cho biết: Trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã ký kết quy chế phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh nhằm tăng cường công tác QLBVR trong khu bảo tồn. Quy chế phối hợp cho phép lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô truy quét, bắt, xử lý lâm tặc tại các vùng rừng giáp ranh thuộc địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Pa (Gia Lai). Đồng thời, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã thành lập chín trạm kiểm lâm địa bàn tại những vùng giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên và những điểm nóng trong khu bảo tồn.

Về trách nhiệm để xảy ra các vụ khai thác gỗ giáng hương quý hiếm ở Ea Sô trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm điểm các nhân viên tại các trạm kiểm lâm được giao quản lý. Quan điểm của lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn là xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan nếu có tình trạng tiếp tay cho lâm tặc khai thác gỗ trái phép; tuy nhiên, phải chờ kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu Trần Quốc Dũng cho hay, trước mắt, đơn vị đã yêu cầu Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 4 được giao bảo vệ rừng ở khu vực này làm báo cáo chi tiết về công tác tuần tra bảo vệ rừng trong thời gian qua và vụ việc vừa bị phát hiện. Các kiểm lâm viên thuộc trạm này phải viết bản tường trình và bản kiểm điểm. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu các cán bộ giữ rừng của đơn vị có liên quan thì sẽ tiến hành xử lý nghiêm, không bao che dung túng.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ và săn bắn thú rừng trái phép tại các khu BTTN, vườn quốc gia, rừng phòng hộ ở Đác Lắc, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng QLBVR thì UBND tỉnh Đác Lắc cần chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng các tỉnh giáp ranh tiến hành truy quét, xử lý tình trạng phá rừng ở vùng giáp ranh. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tích cực vào cuộc điều tra thủ phạm các vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại các khu BTTN trong thời gian qua, xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe chung. Có như vậy mới giữ được những cánh rừng tự nhiên còn lại tại các khu BTTN, vườn quốc gia, rừng phòng hộ này.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Lý

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31179102-can-ngan-chan-xu-ly-nghiem-nan-pha-rung-o-cac-khu-bao-ton-thien-nhien-tai-dac-lac.html