Cận ngày thi vào 10 ở Hà Nội, thầy giáo chỉ ra loạt lỗi sai môn Toán và 4 chiến thuật đạt điểm cao

Thầy Trần Nhật Minh đã chỉ ra những lỗi sai và cách khắc phục, cũng như những dặn dò, lưu ý cần thiết chuẩn bị trước kỳ thi.

Ảnh minh họa

Theo lịch thi thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội, sáng 10/6, học sinh sẽ thi môn Ngữ văn trong thời gian làm bài 120 phút. Chiều cùng ngày, học sinh thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Sáng 11/6, học sinh thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút.

Với riêng môn Toán, để đạt điểm cao, học sinh phải chuẩn bị nền tảng kiến thức tốt cũng như tích lũy cho mình chiến lược giải đề khoa học và kỹ năng trình bày logic, phù hợp. Đồng thời, cần lưu ý một số lỗi sai thường gặp để tránh mất điểm "oan".

Thầy Trần Nhật Minh, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội, đã chỉ ra những lỗi sai và cách khắc phục, cũng như những dặn dò, lưu ý cần thiết chuẩn bị trước kỳ thi.

Những lỗi sai cần tránh

Những dặn dò, lưu ý cần thiết chuẩn bị trước kỳ thi

Thứ nhất, chuẩn bị: Nắm kỹ lịch thi, thời gian thi, môn thi... Mang đầy đủ dụng cụ vào phòng thi. Có kế hoạch ngủ nghỉ hợp lý, ăn uống cẩn thận, sạch sẽ...

Chú ý kế hoạch ôn thi hợp lý, rà soát lại theo các nội dung chính để tìm ra phần mình còn yếu, còn thiếu để "lấp chỗ trống". Các em cũng không nên sa đà vào các dạng toán quá khó, mất thì giờ và tạo căng thẳng không cần thiết. Nếu vẫn còn các khó khăn, các em có thể trao đổi thêm với bạn bè, thầy cô giáo hoặc tham khảo thêm trên internet.

Thứ hai, làm bài:

1/ Chiến thuật "Dễ làm khó bỏ": Tức là ưu tiên những câu dễ làm trước, các câu khó hơn làm sau. Học sinh có 5 phút để đọc đề. Khi đọc đề các em cần đọc kĩ để xác định được các câu hỏi thuộc 3 mức độ:

Mức 1: Các câu dễ, có thể làm ngay mà không cần nháp hoặc chỉ nháp nhẹ nhàng thẳng vào đề để tiết kiệm thời gian.

Mức 2: Các câu trung bình, cần phải nháp. Các câu này sẽ chiếm chủ yếu trong đề nên các thí sinh không được vội vàng, cần làm một cách tuần tự và chắc chắn.

Mức 3: Các câu khó. Khi đọc đề có thể chưa tìm được ngay phương pháp làm bài. Các em cứ đánh dấu vào để xử lý sau cùng.

"Theo kinh nghiệm, thứ tự thường được phân dạng từ dễ đến khó là: Câu a, b của bài rút gọn; Bài toán giải phương trình, hệ phương trình, hàm số; Giải toán bằng cách lập phương trình; Câu a, b của bài hình; Các câu còn lại. Sau khi đã đánh dấu các mức độ thì học sinh lên chiến lược làm bài theo thứ tự từ dễ đến khó. Cần tránh sa đà vào câu khó trước, bởi vừa mất thời gian lại có thể gây mất tinh thần".

2/ Gạch chân từ khóa và kiểm tra

Các thí sinh nên chú ý gạch chân từ chìa khóa trong đề và kiểm tra đáp số. Ngay khi đọc đề bài, các em luôn cầm bút và đánh dấu vào các từ, các ý quan trọng, thậm chí có thể ghi các lưu ý vào bên cạnh (ví dụ ghi điều kiện xác định, ghi các phương pháp, các ý tưởng...).

Một trong những lỗi phổ biến của học sinh lớp 9 là lỗi tính toán. Để khắc phục điều này, chúng ta sử dụng kĩ thuật kiểm tra, rà soát liên tục: Kiểm tra mỗi bước biến đổi (làm 2 lần: khai triển rồi thì khai triển lại, chuyển về xong thì chuyển vế lại...).

Làm xong một bài thi không nên vội vàng chuyển ngay sang bài khác mà nên dành 1-2 phút để kiểm tra bài vừa làm: Kiểm tra tính phù hợp của đáp số với các điều kiện, với thực tế nếu có. Chẳng hạn, khi các em giải một bài toán ra vận tốc xe máy là 300km/h thì cũng vô lý. Với các bài tham số, có thể thay lại kết quả để kiểm tra xem có đáp ứng được yêu cầu của đề bài hay không.

Học sinh cũng cần kiểm tra từ ý nhỏ xem có bị thiếu, bị tắt hay không, tránh trường hợp bị trừ những 0.25 điểm đánh tiếc. Các em hãy rèn luyện chiến thuật này trong mỗi bài tập mà mình làm hàng ngày để hình thành một thói quen.

3/ Chiến thuật "Tư duy ngược"

Với các bài toán ở mức 2, 3, học sinh có thể chưa tìm được ngay phương pháp giải quyết. Khi đó, phương pháp phân tích, tư duy ngược rất có tác dụng.

Ví dụ: Để chứng minh đẳng thức MH.OM = MC.MD tức là phải chứng minh MH/MD = MC/MO, tức là phải chứng minh hai tam giác MHC, MDO đồng dạng. Từ đó ta đi tìm các dấu hiệu để hai tam giác này đồng dạng (như gg, c.g.c....).

Một cách tổng quát, chúng ta thường xuất phát từ yêu cầu của bài toán rồi lập luận ngược lại để dẫn đến các yêu cầu quen hơn, dễ xử lí hơn, sau đó trình bài lời giải xuôi.

4/ Chiến thuật "phân bổ thời gian"

Thời gian luôn là yếu tố quan trọng đối với mỗi bài thi. Vì thế, học sinh nhất định phải mang đồng hồ khi đi thi. Nên đeo loại đồng hồ có kim, các em sẽ dễ ước lượng thời gian hơn loại điện tử nhấp nháy.

Chúng ta phân bổ 90 phút ứng với 10 điểm, như thế mỗi điểm sẽ tương ứng với khoảng 9 phút. Do thời gian cho mỗi điểm ít đi nên độ khó, độ dài của câu hỏi cũng giảm đi. Tuy nhiên, với 9 phút/1 điểm thì các em cần tiết kiệm thời gian, tránh các việc làm không cần thiết: Đã có phương pháp thì không cần nháp, tăng cường tính nhẩm, sử dụng máy tính hợp lí,... Dựa vào số điểm số của mỗi câu, chúng ta sẽ biết phân bổ thời gian phù hợp cho câu đó.

Học sinh cần trành tình trạng đầu tư quá mức vào một câu nào đó, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm các câu khác.

Sử dụng chiến thuật "dễ làm khó bỏ" ở trên, chúng ta đã lên được thứ tự làm các bài và học sinh cũng có thể ghi vào đề thời gian cần thiết để làm mỗi bài đó. Làm được như vậy các em sẽ không bị cuống và làm bài sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Các em cần tận dụng hết thời gian, hãy chiến đấu dù là đến phút 89. Không nên ngồi chơi hay ra khỏi phòng thi trước khi hết giờ làm bài.

Thứ ba, trình bày:

+ Khi rút gọn biểu thức, nên viết điều kiện ở ngay đầu dòng thứ nhất của lời giải và không để điều kiện trong ngoặc.

+ Khi biến đổi hay tính một biểu thức, không nên viết lặp đi lặp lại một về giống nhau.

+ Không nên chia một trang giấy thành quá 1 cột để viết.

+ Khi xuống dòng, nếu vẫn chưa trình bày hết một câu nào đó, thì phải viết tiếp câu từ lề trái của trang giấy.

+ Không nên xuống dòng tùy tiện, dẫn đến nhiều khoảng trống trong bài làm, nhìn xấu về hình thức và có thể khiến thí sinh phải dùng nhiều tờ, gây mất thời gian để viết lại thông tin.

+ Không nên viết lời giải một bài toán nhưng lại ngắt quãng, xen lẫn lời giải của bài toán khác, vì có thể làm cho giám khảo chấm sót.

+ Viết những ký hiệu phép toán hoặc dấu "=" hoặc dấu "+" phải sát với các biểu thức và viết đúng vị trí.

+ Tránh viết mà để người chấm không rõ chữ gì, như: viết "0" như "C", viết "D" như "O", viết "B" như "D". Không viết tắt tùy tiện các từ.

+ Khi cần gạch bỏ chỗ nào, nên gạch gọn bằng 1 nét bút, đừng dùng nhiều nét bút làm bẩn bài. Sửa bài phải rõ ràng: không viết đè lên chỗ sửa mà nên gạch hẳn chỗ đó, rồi viết lại.

+ Ký hiệu thứ tự các câu, các ý trong bài làm phải giống như ở đề bài.

+ Không nên vẽ hình quá nhỏ. Sau khi vẽ xong hình và không thay đổi gì về hình đó nữa, phải lấy bút mực vẽ đè lên các nét thẳng đã vẽ bằng bút chì. Không để chữ và hình đè nhau. Nếu đã vẽ sai nét bằng bút mực thì nên bỏ cả hình và vẽ lại.

+ Tránh trình bày lộn xộn, rườm rà, gây khó hiểu cho người chấm. Trong bài làm, nên đánh số các điều mà ở bên dưới cần nhắc lại bởi (1), (2)... để lời giải gọn hơn và người chấm dễ hiểu.

+ Khi trình bày những câu điều kiện, không được dùng 1 trong những cấu trúc câu như sau: "Để ... " "Để ..."; "Để ... thì ...", bởi vì những câu như này tối nghĩa, không rõ rệt về mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả.

+ Không nên dùng dấu "{" hoặc "} gộp các câu có dấu "=>" để lấy đó làm lý do mà suy diễn tiếp vì làm cho lời giải giảm đi sự mạch lạc.

+ Nhớ rằng không có ký hiệu "cắt".

+ Phải viết đúng ký hiệu các tập hợp số quen thuộc.

+ Chú ý để không lẫn lộn "[" (ký hiệu "hoặc") với "{" (dùng ký hiệu "và").

+ Không được viết câu kiểu như "theo Cô-si" thay cho "theo bất đẳng thức Cô-si".

+ Khi giải bài toán thực tế (ở Câu 2) phải xác định đúng điều kiện của ẩn, để không phạm sai lầm như: Cho thời gian thuộc tập hợp số tự nhiên N.

+ Trước khi nêu đáp số, phải thể hiện có đối chiếu với điều kiện (nếu có).

+ Khi giải 1 phương trình bằng đặt ẩn phụ mới, cần chú ý đặt điều kiện (nếu cần) cho ẩn mới và khi kết luận chú ý để không lẫn lộn giá trị của ẩn mới với giá trị của ẩn ban đầu.

+ Nhớ kiểm tra cẩn thận các bước biến đổi hoặc tính toán, để tránh mất điểm đáng tiếc. Với câu có nhiều ý liên quan, khi sai ở ý trước sẽ dẫn đến ý sau sai theo, gây mất nhiều điểm. Khi trình bày lời giải phương trình bậc 2 hoặc hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, nên dùng máy tính bỏ túi kiểm tra lại đáp số.

+ Khi thực hiện phép chia hoặc khai căn bậc hai phải chú ý đến điều kiện để phép toán có thể thực hiện được.

+ Khi nhân (hoặc chia) hai về của một đẳng thức hay bất đẳng thức với một số, phải chú ý đến điều kiện là số đó phải khác 0.

+ Khi nhân (hoặc chia) hai vế của một bất đẳng thức với một số, phải chú ý đến điều kiện là số đó là số dương hay âm để giữ nguyên hay đảo lại chiều bất đẳng thức.

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-ngay-thi-vao-10-o-ha-noi-thay-giao-chi-ra-loat-loi-sai-mon-toan-va-4-chien-thuat-dat-diem-cao-20230608170505091.htm