Xin đừng 'buông tay'

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… đăng tải nhiều vụ việc liên quan đến người trẻ có hành vi tự tử, gây ra sự lo lắng và đau thương cho gia đình, bạn bè và cộng đồng. Người trẻ tự tử đang là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện nay.

 Chỉ với thao tác gõ từ khóa tìm kiếm "người trẻ tự tử" trên Google đã cho ra khoảng 157.000.000 kết quả trong 0,17 giây.

Chỉ với thao tác gõ từ khóa tìm kiếm "người trẻ tự tử" trên Google đã cho ra khoảng 157.000.000 kết quả trong 0,17 giây.

Theo một nghiên cứu của UNICEF, hằng năm, trên thế giới có hơn 800.000 người chết vì tự tử. Ở Việt Nam, trung bình có khoảng 14.000 người tự sát trong 1 năm. Nhiều trường hợp tự tử được xác định là do áp lực tâm lý, nợ nần, tình cảm, học tập…

Tháng 5/2024, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin về việc 2 nữ sinh lớp 9 tại tỉnh Bắc Ninh rủ nhau nhảy sông tự tử. Đặc biệt, nội dung tin nhắn của 2 nữ sinh nói về việc tự tử vô cùng bình tĩnh khiến nhiều người đọc xót xa.

Hoặc vụ việc xảy ra vào tháng 7/2023, nam sinh Phạm Quang D. (sinh năm 2008), ở thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) đã nhảy cầu Bảo Nhai xuống sông Chảy để kết thúc cuộc đời. Theo chia sẻ từ phía gia đình, thời gian trước đó, nam sinh này hoàn toàn không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, trước khi tự tử, Phạm Quang D. có để lại thư tuyệt mệnh với nội dung tiêu cực.

 Nhiều nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ gia đình nam sinh Phạm Quang D., thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà).

Nhiều nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ gia đình nam sinh Phạm Quang D., thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà).

Ở giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, tại sao những nữ sinh, nam sinh này lại chọn ra đi? Câu hỏi đó là trăn trở không chỉ của gia đình, bạn bè mà của toàn xã hội.

Vừa qua, chúng tôi có cuộc trò chuyện, khảo sát ngẫu nhiên với 20 học sinh, sinh viên (lứa tuổi từ 15 đến 20 tuổi), đang học tập tại các trường trên địa bàn tỉnh, trong số đó có 1 học sinh cho biết bản thân từng nghĩ đến chuyện tự tử vì cảm thấy quá áp lực.

Cuộc sống càng hiện đại, đòi hỏi người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z càng phải nỗ lực từng ngày, nếu không sẽ bị bỏ rơi và thụt lùi so với xã hội. Bởi lẽ đó, giới trẻ ngày nay luôn cố gắng làm việc, học tập, trau dồi kiến thức để khẳng định bản thân. Tuy nhiên, nếu người trẻ không được chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành từ phía gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè… thì những áp lực sẽ hình thành trong suy nghĩ và dễ dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho chính bản thân.

So với các bạn cùng trang lứa, T.N. (huyện Bảo Thắng) có phần ít kinh nghiệm sống hơn khi 4 năm trên giảng đường đại học chỉ tập trung việc học, không đi làm thêm, không tham gia các hoạt động ngoại khóa. Giờ đây, khi bước chân vào “trường đời”, đi làm và tự nuôi sống bản thân, T.N. gặp không ít áp lực về kinh tế và môi trường làm việc xung quanh.

“Thường bị đồng nghiệp chèn ép, đặt điều vu khống, công việc không thuận lợi… khiến tôi cảm thấy tủi thân và không ít lần phải rơi nước mắt”, T.N. tâm sự.

 Áp lực về học tập đã khiến nhiều học sinh, sinh viên dễ rơi vào trạng thái lo lắng (Ảnh minh họa).

Áp lực về học tập đã khiến nhiều học sinh, sinh viên dễ rơi vào trạng thái lo lắng (Ảnh minh họa).

Thạc sĩ tâm lý Đới Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho rằng, những người không tìm được sự đồng cảm, tin tưởng từ người xung quanh sẽ có khuynh hướng tiêu cực, có thể dẫn đến việc tìm cách tự kết thúc cuộc đời. Tôi nghĩ rằng, khi áp lực vẫn còn và con người thiếu kỹ năng để đương đầu thì việc lựa chọn kết thúc cuộc đời bằng cách tự tử vẫn còn diễn ra.

Chị Nguyễn Giang (thành phố Lào Cai) có con trai vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 chia sẻ: Con trai mình rất chăm chỉ học tập. Những hôm ôn thi, buổi sáng con làm 5 - 6 đề tiếng Anh, buổi chiều con làm 3 đề Toán. Ở nhà, có lúc con vừa ăn, vừa học, mình thậm chí còn phải bắt con đi ngủ sớm, rủ con ra ngoài chơi cho khuây khỏa đầu óc. Quan điểm cá nhân, mình thấy rất thương con trẻ ngày nay. Với sự phát triển của xã hội, các con đang phải “chín sớm” hơn rất nhiều so với lứa tuổi. Nếu không có sự chia sẻ, đồng hành của bố mẹ, các con sẽ dễ có suy nghĩ và hành động tiêu cực.

 Trẻ ở lứa tuổi vị thành niên rất cần sự đồng hành, chia sẻ của gia đình.

Trẻ ở lứa tuổi vị thành niên rất cần sự đồng hành, chia sẻ của gia đình.

Với trẻ vị thành niên, do tâm lý đang trong giai đoạn có sự thay đổi, dễ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong học tập, trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Bên cạnh đó, với sự phổ biến của mạng xã hội, có nhiều thông tin tích cực nhưng cũng không ít thông tin tiêu cực. Do đó, người trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên đang rất cần có sự quan tâm và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, xã hội. Mặt khác, cơ quan chức năng, chính quyền cần có những chiến dịch truyền thông, giáo dục về tâm lý, đặc biệt là trong cộng đồng, học sinh, sinh viên.

Dù là học sinh, sinh viên hay người trẻ đi làm đều gánh trên vai những nỗi lo toan và áp lực riêng. Trải qua từng thời kỳ, bối cảnh xã hội cũng có những đổi thay, áp lực cũng không giống nhau. Do vậy, người trẻ hãy luôn giữ cho mình trạng thái tích cực, cân bằng và tự tìm cách “sạc pin” để lấy lại năng lượng sau những ngày căng thẳng, mệt mỏi.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xin-dung-buong-tay-post386138.html