Cần nghiêm trị hành vi hủy hoại nông sản của nông dân
Hành động phá hoại nông sản, triệt đường sống của người nông dân lương thiện không phải mới xuất hiện. Song, từ đầu năm 2019 đến nay, vấn nạn này lại gia tăng.
Người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” không kể mưa nắng chăm bẵm mảnh ruộng, vườn cây của mình. Bởi với họ, đó là “đầu cơ nghiệp”. Mọi chi tiêu trong gia đình, bất kể việc lớn hay việc nhỏ, đều trông cậy cả vào nguồn thu từ những mảnh ruộng, vườn cây này.
Thế nhưng, dồn hết vốn liếng cùng bao công sức chăm bón, đến sát ngày thu hoạch, “trái ngọt” sắp được hưởng thì ruộng vườn của họ lại bị kẻ ác phá hoại. Hành động phá hoại nông sản, triệt đường sống của người nông dân lương thiện không phải mới xuất hiện. Song, từ đầu năm 2019 đến nay, vấn nạn này lại gia tăng.
Vườn keo của gia đình anh Phùng Văn Huệ ở bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An), từ bên ngoài nhìn vào cây keo này vẫn đang xanh tốt, tuy nhiên thực tế ½ gốc keo đã bị chặt, cây keo chỉ còn sống trong khoảng thời gian ngắn. Phần gốc bị triệt hạ không quan sát kỹ rất khó phát hiện.
Anh Huệ cho biết, tình trạng phá hoại keo diễn ra khoảng 20 ngày trước nhưng nặng nhất là vào đêm 23/6. Trước đó, anh đã mua lưới thép B40 về rào nhưng liên tục bị kẻ gian cắt đứt. Các cây keo phát triển tốt đều bị chặt sát gốc và bị phá hàng loạt.
“Họ dùng dao chặt một nửa phần gốc cây. Chỉ cần một cơn gió mạnh là keo bị bổ, tước đôi ra rồi chết. Ước tính có khoảng 4.000 cây bị đốn hạ gây thiệt hại cho gia đình trên 60 triệu đồng”, anh Huệ nói.
Chị Trần Thị Hoa cũng cho biết thêm, gia đình anh chị ở đây cũng chưa hề gây mâu thuẫn với ai nên khi vườn keo bị chặt phá cũng chẳng biết nghi ngờ cho ai.
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Con Cuông đã vào cuộc điều tra. Đến 2/7/2019, cơ quan điều tra đã xác định đối tượng Nguyễn Hữu Tình trú ở xã Thành Sơn, huyện Anh là nghi phạm gây ra vụ chặt vườn keo của gia đình anh Huệ và đã tiến hành bắt giữ để phục vụ điều tra.
Trước vụ vườn keo của anh Huệ, vào tháng 8/2017, tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, hơn 1.200 cây chanh leo đã bị cắt ngang thân, gây thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, toàn bộ 400 gốc cam của một trang trại ở xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn đã bị kẻ xấu chặt phá toàn bộ và đốt cháy luôn lán trại, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng...
Liệt kê thêm những vụ việc này để thấy hành vi phá hoại tương tự là không hiếm. Hay mới cách đây hơn một tháng, 5 sào dưa hấu trị giá 50 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu bị kẻ xấu nhẫn tâm phá hoại tan hoang bằng cách nhổ gốc. Khi ruộng dưa bị phá hoại đang được cả gia đình nghèo trông ngóng thu hoạch để lấy tiền lo ăn học cho 3 đứa con, trong đó có 2 đang học Đại học.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở xóm 1, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu bùi ngùi chia sẻ: Số tiền thiệt hại tuy không lớn nhưng đây là mồ hôi, miếng cơm, manh áo, học hành của con cái, nhưng chỉ trong một đêm đã mất tất cả. Chưa bắt được hung thủ thì gia đình tôi cũng như nhiều hộ nông dân khác không yên tâm sản xuất.
Có một điểm chung, các vụ việc đều nhằm mục đích phá hoại, triệt hạ kinh tế chứ không phải vì mục đích trục lợi, hay chiếm đoạt tài sản. Tưởng như câu chuyện chỉ ở góc độ trả thù cá nhân, giải quyết các hiềm khích, tuy nhiên thiệt hại cả hàng trăm triệu đồng, hành vi hủy hoại tài sản này đang thực sự trở thành vấn nạn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngũ Hồng Duệ - Trưởng Công an xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu cho biết: Công an xã phối hợp với chính quyền họp dân để truy tìm thủ phạm. Tuy nhiên đến nay các vụ án vẫn chưa có tiến triển bởi đa phần các gia đình bị hại đều thuần nông, không có xích mích nên rất khó truy ra các mối quan hệ dẫn đến sự việc cố ý gây phá hoại.
Hành động triệt hạ đường sống của người khác rất đáng lên án. Ngoài việc gây thiệt hại kinh tế cho người khác, hành vi trên đang gây hoang mang dư luận, gây mất ổn định an ninh trật tự, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Cơ quan chức năng cần mạnh tay với hành vi hủy hoại nông sản để đảm bảo lợi ích chính đáng của bà con nông dân.