Cần nghiên cứu, ban hành Luật Bản quyền tác giả!

Đó là chia sẻ của ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trong cuộc trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận nhằm làm rõ những vấn đề về vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cũng như tìm giải pháp cho thực trạng này.

+ Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực nhằm hạn chế vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT). Xin ông cho biết, thực trạng hiện nay ra sao? Những hệ lụy của tình trạng vi phạm bản quyền nghệ thuật nếu không kiểm soát chặt vấn đề này?

 Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL trả lời phỏng vấn Báo Nhà báo & Công luận - Ảnh: Trung Nguyễn

Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL trả lời phỏng vấn Báo Nhà báo & Công luận - Ảnh: Trung Nguyễn

- Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng hoàn thiện và đã đi vào cuộc sống người dân. Gần đây nhất đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/2023. Các hoạt động thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được tăng cường. Song song với đó, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật ngày càng được đẩy mạnh góp phần to lớn vào việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của internet, trên môi trường số vẫn diễn ra các hành vi xâm phạm bản quyền như download, copy… những bản nhạc, những đoạn tản văn, sử dụng tranh, ảnh… mà không xin phép, sách bị in lậu, phim mới ra rạp đã bị quay trộm, các sản phẩm âm nhạc vi phạm bản quyền, tranh bị sao chép, các trang web lậu, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa đang lấn át các địa chỉ chính thống. Như vậy, có thể thấy việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tồn tại qua nhiều hình thức khác nhau gây thiệt hại cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

+ Ông đánh giá thế nào về hoạt động bảo vệ bản quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay?

- Vài năm gần đây, ý thức của người dân về bản quyền rất cao. Điều này thể hiện ở số lượng người chủ động đăng ký bảo vệ bản quyền tăng vọt dù không phải bắt buộc để được bảo vệ. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng chủ động mua bản quyền. Rồi nhiều tổ chức, đại diện tập thể là những cầu nối hoặc đứng ra thu rất nhiều tiền cho các bên chủ thể. Nhiều cá nhân cũng biết đánh dấu bản quyền… cho thấy mọi người đã quan tâm và chủ động hơn trong việc bảo vệ bản quyền.

Về câu chuyện bảo vệ bản quyền, cơ quan chức năng không thể tự mình làm được nếu mọi người không có ý thức. Nếu ai cũng thích “xài chùa” thì làm sao ngăn được? Ở nhiều nước, họ làm rất tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, “nói không” với vi phạm bản quyền. Trong khi đó, ở Việt Nam, có nhiều trường hợp các kênh chính thống có phục vụ nhưng nhiều người cố tình xem các kênh “lậu”. Chính điều này tiếp tay cho kẻ xấu khai thác, trục lợi bằng cách vi phạm bản quyền. Bởi vì, kinh tế thị trường, cứ có cầu thì sẽ có cung.

Nói đến bản quyền trong lĩnh vực VHNT cũng cần đặt trong mối liên hệ với câu chuyện hưởng thụ văn hóa, hiểu rất đơn giản là cái “Tôi muốn tiếp cận”. Mà mức độ hưởng thụ văn hóa phản ánh thu nhập, điều kiện kinh tế. Hiện nay thu nhập bình quân của chúng ta mới ở ngưỡng trung bình của thế giới.

Có thể hiểu, một bộ phận người dân chưa thể tiếp cận hoặc chưa có điều kiện hưởng thụ văn hóa cao. Tức là, sẽ vẫn có người chưa chịu bỏ tiền mua bản quyền để hưởng thụ văn hóa. Dẫn đến khó bảo vệ bản quyền triệt để. Nói như vậy không phải là nêu khó khăn, mà để chúng ta nhận thức và đánh giá thực tế. Bảo vệ bản quyền nên xem là chiến lược lâu dài và phải gắn với câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa. Hai cái này cần đi đôi với nhau. Tức là, làm sao bảo vệ bản quyền để tạo ra sức sáng tạo, tạo ra ngành nghề có thể kinh doanh thu hút được các nhà đầu tư, tức là sẽ tạo ra thêm và nâng cao thu nhập…

Trở lại vấn đề hiệu quả, dù việc vi phạm bản quyền vẫn diễn ra, nhất là trên môi trường số vốn phát triển nhanh và thay đổi liên tục, nhưng từ lúc ra Luật, các Nghị định đến việc tham gia các điều ước quốc tế, rõ ràng mọi thứ đang chuyển biến tích cực, ý thức về bảo vệ bản quyền của người dân được nâng lên cao hơn so với trước đây.

 Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục bảo vệ bản quyền tác giả - Ảnh: Hải Yến

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục bảo vệ bản quyền tác giả - Ảnh: Hải Yến

+ Theo ông, những vấn đề còn tồn tại trong quản lý bản quyền tác giả là gì, nhất là sự phức tạp trên môi trường số? Việc phối hợp giữa các bộ phận, cơ quan chức năng ra sao?

- Hiện nay, như đã nói ở trên, xâm phạm bản quyền diễn ra nhiều trên không gian mạng, dưới nhiều hình thức và cách xâm phạm khác nhau. Các cơ quan, quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan đã phối hợp trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, hạn chế tình trạng xâm phạm bản quyền như hiện nay. Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp với Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng như các cơ quan thực thi khác ngoài Bộ như: cơ quan thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Quản lý thị trường, Hải quan, Tòa án… trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong công tác bảo hộ quyền tác giả. Bộ VH-TT&DL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TTTT trong việc giải quyết các vụ việc trên môi trường số.

Bên cạnh đó, Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL, luôn phối hợp với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền được tốt nhất. Từ đó, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

+ Thưa ông, để giải quyết những hạn chế còn tồn tại, chúng ta cần phải làm gì?

- Thứ nhất, về hoàn thiện hành lang pháp lý. Các nền tảng pháp lý, chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từng bước được xây dựng và hoàn thiện đã ngày càng khẳng định yếu tố then chốt của quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng trong các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò hết sức quan trọng của việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, bảo vệ tài sản trí tuệ được kết tinh từ lao động sáng tạo, là động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL, về lâu dài, cần nghiên cứu tách Luật Bản quyền tác giả độc lập, đây là hướng mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và có sự chuẩn bị, đến thời điểm phù hợp và sớm nhất có thể thì tiến hành tách Luật Bản quyền tác giả để ban hành riêng, trở thành luật chuyên ngành độc lập theo thông lệ quốc tế, giúp cho việc triển khai, áp dụng luật được hiệu quả trên thực tế. Việc soạn thảo, ban hành văn bản hướng dẫn cũng thuận lợi hơn về mặt nội dung chuyên môn, kiến thức chuyên ngành, tiến gần đến chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia các điều ước quốc tế; tăng cường năng lực thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, áp dụng hiệu quả các biện pháp bảo vệ quyền, đặc biệt là phù hợp với xu thế cần thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ (hiện nay các vụ việc tranh chấp về quyền tác giả đa phần được xếp vào án kinh doanh thương mại, hoặc một số ít được xếp vào án dân sự).

Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Các cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan cần có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đến nhiều đối tượng, dưới nhiều hình thức khác nhau, thường xuyên và liên tục. Từ đó, đưa hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế (các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập) vào sâu trong đời sống nhân dân, nhằm thúc đẩy nhận thức tuân thủ pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của họ được nâng cao.

Thứ ba, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan hơn nữa trong hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt là trên môi trường mạng. Cần nghiên cứu mô hình thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị quản lý chuyên ngành trong Bộ VH-TT&DL. Trong đó, cần nghiên cứu mô hình trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan cho Cục Bản quyền tác giả.

 Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm với học sinh, sinh viên về Bản quyền trên không gian mạng. Ảnh: Hải Yến

Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm với học sinh, sinh viên về Bản quyền trên không gian mạng. Ảnh: Hải Yến

Thứ tư, các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần có sự chủ động. Cần xác định trách nhiệm bảo vệ bản quyền không chỉ dừng lại ở phía cơ quan nhà nước mà còn ngay cả chính các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Các chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chúng ta phải bảo vệ được “đứa con tinh thần” của mình. Các chủ sở hữu quyền cần phải lên tiếng cho những hành vi xâm phạm bản quyền của các đối tượng bằng nhiều hình thức, có thể khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án…

Một điều cần lưu ý là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần phải biết mình có quyền gì và những quyền ấy được bảo hộ như thế nào để tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ, từ đó, có những cơ sở rõ ràng nhất bảo vệ mình khi phát sinh tranh chấp. Vì vậy, khi sáng tạo ra tác phẩm, đặc biệt các tác phẩm sáng tạo, có giá trị thương mại và nhiều khả năng bị sử dụng trái phép, chiếm đoạt thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên nhanh chóng thực hiện đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số và tăng cường tham gia và đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất để có đủ năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt trên môi trường mạng.

+ Theo một số chuyên gia, việc thực thi Nghị định vẫn còn những tồn tại, bất cập, chủ yếu do mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn thấp; mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi; chưa có sự phân loại theo đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính răn đe, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi đối với một số hành vi vi phạm… Cơ quan quản lý nhà nước giải quyết vấn đề này thế nào?

- Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua.

Tại bản dự thảo Nghị định mới này, sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với luật và các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia. Tinh thần của Nghị định sửa đổi là đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, chúng tôi đang nghiên cứu, lấy ý kiến về việc điều chỉnh các mức phạt để dễ dàng hơn cho việc áp dụng trong thực tế.

+ Xin cảm ơn ông!

Hữu Kế - Đình Trung (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-nghien-cuu-ban-hanh-luat-ban-quyen-tac-gia-post252570.html